Không đưa vào chương trình họp dự án Luật không đảm bảo đúng tiến độ trình
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp dự án không bảo đảm trình Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ quy định thì kiên quyết không đưa vào Chương trình kỳ họp và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp dự án không bảo đảm trình Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ quy định thì kiên quyết không đưa vào Chương trình kỳ họp và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn
9 tháng hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ
Sáng nay (22.8), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng chủ trì hội nghị.
Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau 9 tháng triển khai kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 đến nay đã hoàn thành 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp đề ra.
Trong đó, có nhiều văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19... Theo kế hoạch còn 69/137 nhiệm vụ lập pháp cần tiếp tục thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị đánh giá triển khai kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XV.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã thông qua 6 luật, 8 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 pháp lệnh, 2 nghị quyết; tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật.
Đặc biệt, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả trong công tác lập pháp như: linh hoạt, sáng tạo tổ chức các kỳ họp theo hình thức trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp.
Tổ chức kỳ họp bất thường xem xét, kịp thời quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra; sửa đổi ngay một số luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Nâng cao chất lượng phản biện xã hội
Đối với 7 dự án trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn thiện để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến và tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội.
Đối với 6 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 nhưng chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi đến các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
Đối với các dự án thuộc Chương trình năm 2023, cần bảo đảm thời gian trình Thường vụ Quốc hội chậm nhất tại phiên họp tháng 4.2023 (đối với các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5) và phiên họp tháng 9.2023 (đối với các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6).
Trường hợp dự án không bảo đảm trình Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ quy định thì kiên quyết không đưa vào Chương trình kỳ họp và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị MTTQ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng phản biện xã hội, chủ động tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí