"Không hy sinh công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần"
Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương được tổ chức trong bối cảnh đất nước vừa bước vào năm 2022 với nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự hội nghị. (Ảnh: Quốc Chính).
"Các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân". Đó là nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 5/1…
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đã có gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn... Đây cũng là một trong 10 điểm sáng của năm 2021.
"Những năm trước, mỗi năm, bình thường chúng ta cố gắng làm an sinh xã hội nhiều nhất cho 1 triệu người, đã thấy khó khăn. Năm nay chúng ta tổ chức lo an sinh xã hội cho 42,8 triệu người trong thời gian kéo dài với khối lượng công việc rất gấp rút. Đường dài nhưng tốc độ phải nhanh. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị". Thủ tướng nói.
Ghi nhận những kết quả đạt được, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trong năm qua, các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương được tổ chức trong bối cảnh đất nước vừa bước vào năm 2022 với nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức khi Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi ngày lại xuất hiện thêm hàng nghìn ca F0 và mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron chưa được xem xét đầy đủ.
Hội nghị này là cơ hội để các cấp lãnh đạo địa phương đối thoại cùng các Bộ trưởng, trưởng ngành, các lãnh đạo Chính phủ, nhìn thẳng vào thực tế đời sống kinh tế xã hội, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, vì lợi ích chung của đất nước và nền kinh tế.
Sự trao đổi trực tiếp này cũng giúp giảm thời gian công văn qua lại, có phản biện, phát huy trí tuệ tập thể.
Tăng trưởng GDP năm 2022 theo quyết tâm của Chính phủ là 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người 3.900 USD. Mục tiêu không dễ dàng, để hiện thực hóa cần nhiều hơn nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nếu đạt mục tiêu, vượt qua thách thức thì sẽ tăng uy tín của đất nước trên trường quốc tế, tạo tiền đề để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa sau khi đại dịch qua đi.
Cùng thời điểm này, những gói hỗ trợ với quy mô lớn đang được Quốc hội thảo luận, những chính sách để kích cầu kinh tế, những đại dự án sẽ thành hình trong tương lai.
Tuy nhiên, như chỉ đạo của Tổng Bí thư, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Định hướng này cũng được người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Điều này cũng chính là khẳng định về tính nhân văn của chế độ ta. Song hành với tiến trình hồi phục, phát triển kinh tế, phải là công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hơn lúc nào khác, đây là thời điểm đầy thử thách và cũng là cơ hội để các tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương thể hiện khả năng điều hành, thực thi chính sách, làm sao để mọi người dân đều được hưởng quả ngọt của tăng trưởng, cả những người nghèo nhất cũng cảm nhận được sự đổi thay.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/khong-hy-sinh-cong-bang-xa-hoi-de-chay-theo-tang-truong-kinh-te-don-thuan-20220107053921938.htm
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá