Không thể phủ nhận chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam
Sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có chính sách an sinh xã hội
Tuy nhiên, các thế lực thù địch không ngừng bóp méo, xuyên tạc những thành quả đạt được. Trước thực tiễn đó, đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái không chỉ khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước mà còn góp phần bảo vệ những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các cơ quan, đoàn thể bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại phường Việt Hưng (quận Long Biên). Ảnh: Thanh Nhàn
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động rêu rao nhiều luận điệu xuyên tạc nhằm phủ nhận những thành quả và nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, chúng cố tình rêu rao rằng “bức tranh kinh tế trong nước rất ảm đạm”, “bỏ mặc dân nghèo tự lo”, “an sinh xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, chứ không phải là trách nhiệm của người dân”; rồi xuyên tạc rằng “Nhà nước rũ bỏ trách nhiệm lo an sinh cho dân”; “chế độ an sinh xã hội ở Việt Nam có chiều hướng thụt lùi”.
Ngoài ra, chúng lợi dụng các vấn đề xã hội dễ gây bức xúc, đời sống một bộ phận người dân gặp khó khăn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một số lãnh đạo, cán bộ, công chức... để cố tình công kích, xuyên tạc các chính sách về an sinh xã hội; cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước ta không đủ nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội. Mục tiêu của các hoạt động chống phá nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, năng lực điều hành của chính quyền các cấp; từ đó gây chia rẽ nội bộ, kích động các hoạt động gây rối, chống phá; sâu xa hơn là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước và vai trò của nhân dân trong tham gia bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với Việt Nam, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chính sách an sinh xã hội là việc chăm lo cuộc sống, sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân từ nông dân, công nhân, thương nhân, công chức, binh lính đến thanh niên, trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội như người tàn tật, ốm đau, người già, trẻ nhỏ. Do đó, năm 1946, bốn ngày sau khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kết thúc thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng chẳng làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương xây dựng, thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội. Bởi đó là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ và sự tiến bộ, công bằng xã hội, hướng về con người, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Suy cho cùng, có độc lập, tự do, nhân dân mới được hưởng ấm no, hạnh phúc, xã hội an sinh. Ngược lại, người dân có cuộc sống hạnh phúc, xã hội ổn định, an sinh là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao vị thế đất nước. Theo đó, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) đã ghi nhận những điều khoản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành hệ thống quy phạm và chính sách về an sinh xã hội. Điều thứ 13 ghi nhận: “Quyền lợi các giới cần lao, trí thức và chân tay được bảo đảm”. Điều thứ 14 khẳng định: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001), thuật ngữ “An sinh xã hội” lần đầu tiên được ghi trong Văn kiện. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” khẳng định: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập tối thiểu của mỗi người dân; tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội; trợ giúp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm để người dân tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016) nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, đồng thời đề ra nhiều chủ trương mới trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội như: Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế.
Kết quả đạt được là sự phản bác đanh thép nhất
Thực tiễn cho thấy, trên cơ sở chủ trương, chính sách được ban hành, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, coi đây là vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, bởi việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là một trong những mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội; mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội được tiếp tục thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nhiều chương trình mục tiêu vì người nghèo nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và thu được những kết quả thiết thực. Tiêu biểu như chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo” do Thủ tướng Chính phủ phát động; phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”... đã góp phần chăm lo giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Điểm sáng nổi bật cho thấy hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam là kết quả giảm nghèo. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Không dừng lại ở kết quả đó, những năm gần đây, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế tổn thất nặng nề, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ người dân thoát nghèo với chủ trương “cho người dân cần câu, không cho người dân con cá”.
Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội ở khắp các địa phương cũng luôn được chú trọng, tăng cường với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2023, 100% số đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng; 100% số người dân bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói được trợ giúp kịp thời, không để ai bị đói; hơn 90% số người khuyết tật khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng; hơn 90% số người cao tuổi khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, cung cấp nước sạch, điện… trong phạm vi cả nước được chú trọng triển khai thực hiện với những kết quả tích cực.
Cùng với đó, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, đều dành hơn 30.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, ưu đãi, chăm sóc sức khỏe, tặng quà… các đối tượng chính sách, gia đình người có công, chỉ đạo toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng... bảo đảm gia đình người có công đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Các cấp, ngành, địa phương cũng tích cực thực hiện các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số...
Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.
Như vậy, bảo đảm an sinh xã hội để thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những thành tựu đạt được trong công tác an sinh xã hội là thành quả về sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đó là những minh chứng rõ nét bác bỏ một cách đanh thép, thuyết phục mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, những tiếng nói lạc lõng của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận chính sách an sinh xã hội cùng những nỗ lực chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân của Đảng, Nhà nước ta. Nói cách khác, dù các thế lực thù địch không ngừng chống phá, nhưng chính sách an sinh xã hội đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng những kết quả to lớn đạt được đã đập tan mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc.
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở