Không thể xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.
Tuy nhiên, lợi dụng những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số thời điểm nhất định, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách chống phá, bôi nhọ, kêu gọi từ bỏ nguyên tắc này, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh và phản bác quan điểm sai trái này để bảo vệ nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng vừa là yêu cầu khách quan, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Huyện ủy Ba Vì (Hà Nội) tổ chức tập huấn về tổ chức sinh hoạt chi bộ cho hơn 100 bí thư, phó bí thư chi bộ. Ảnh: Khuyết Duyên
1. Trong quá trình đấu tranh xây dựng chính đảng độc lập của giai cấp vô sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã rất chú trọng xác định nguyên tắc tổ chức của Đảng. Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác vào cuộc đấu tranh, xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân ở nước Nga, V.I.Lênin đã phát triển tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và xác định nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng Cộng sản là tập trung dân chủ.
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định cách tổ chức của Đảng trong Điều lệ: Đảng “tổ chức theo lối dân chủ tập trung”. Tiếp nối những nguyên tắc xây dựng Đảng qua các kỳ đại hội, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội XI của Đảng (năm 2011) thông qua đã hoàn thiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng nêu trên, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc được xác định đầu tiên, cơ bản nhất và quan trọng nhất.
2. Như chúng ta đã biết, cho đến trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô cải tổ, nguyên tắc tập trung dân chủ với vị trí là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các Đảng Cộng sản không có gì phải bàn đến. Từ khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản rơi vào thời kỳ khủng hoảng, suy thoái, đã xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ, đòi xét lại về nguồn gốc, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ cho rằng, tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, giống như lửa với nước, là hai khái niệm “không thể dung hòa”, không thể kết hợp, do đó không thể có nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo họ, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa cũng như Đảng Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị mất quyền lãnh đạo xã hội là do thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ quá lâu và kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ “càng sớm, càng tốt”.
Không dừng lại ở đó, các thế lực thù địch còn lập luận xuyên tạc rằng nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ phù hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật hoặc khi lãnh đạo chiến tranh cần có kỷ luật chặt chẽ, tập trung, thống nhất cao độ. Còn trong điều kiện hòa bình, Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng, đòi hỏi phải mở rộng dân chủ, phát huy tối đa sáng tạo cá nhân, như hiện nay, nguyên tắc tập trung dân chủ đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa. Trên cơ sở đó, các thế lực thù địch kêu gọi bỏ “chế độ thiểu số phục tùng đa số” thì mới thực sự có “dân chủ”, “sáng tạo”…
Cần phải khẳng định rằng, những luận điệu trên là âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch; đó là những luận điệu nhằm tầm thường hóa nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng với mưu đồ phá hoại, hòng làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ.
Việc chia cắt nguyên tắc vốn thống nhất hoặc đem dân chủ đối lập với tập trung là không hiểu đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Với cách lập luận sai trái này, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã không hiểu bản chất hoặc cố tình lừa dối người khác để hạ bệ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Bởi nguyên tắc tập trung dân chủ là sự thống nhất biện chứng giữa hai thành tố tập trung và dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ có sự lãnh đạo được sự bảo đảm của tập trung. Có giữ vững tập trung mới có thể phát huy, mở rộng được dân chủ và bảo đảm dân chủ thực chất. Phát triển dân chủ luôn gắn liền với giữ vững và tăng cường tập trung, trên cơ sở đó, dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc.
Dân chủ chỉ đối lập với tình trạng độc đoán, chuyên quyền chứ không đối lập với tập trung; tập trung chỉ đối lập với tình trạng tản mạn, tự do, tùy tiện, vô tổ chức, vô kỷ luật chứ không đối lập với dân chủ. Tập trung trên cơ sở dân chủ hoàn toàn khác với tập trung quan liêu. Dân chủ có sự bảo đảm của tập trung cũng hoàn toàn khác về bản chất với dân chủ hình thức, dân chủ vô chính phủ.
3. Với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử của Đảng là lãnh đạo cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Lãnh đạo một sự nghiệp vĩ đại, phức tạp, khó khăn chưa từng có, đòi hỏi Đảng phải tổ chức, hoạt động một cách dân chủ để phát huy mọi tiềm năng, lực lượng của đảng viên, tổ chức Đảng mới mong thành công; đòi hỏi Đảng phải có tính tổ chức cao mới có sức mạnh bảo đảm cho thắng lợi; muốn vậy, Đảng phải tổ chức tập trung, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh. Thử hỏi, nếu cho phép đảng viên trong Đảng không phải chấp hành nghị quyết của Đảng, đảng viên được tự do truyền bá ý kiến cá nhân trái với quan điểm của Đảng thì tình hình sẽ ra sao?
Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ tạo cho Đảng kỷ luật thống nhất, nghiêm minh, mà còn tạo cơ chế hữu hiệu nhất để phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo, khai thác mọi trí tuệ của đảng viên, của cơ sở. Do vậy, trong điều kiện nào cũng phải phát huy cao độ dân chủ và đồng thời, phải có sự tập trung thống nhất. Năm 2010, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đã trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế rằng: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.
Sức mạnh của Đảng là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; sự thống nhất đó chỉ có thể giữ vững và biến thành sức mạnh vật chất khi được bảo đảm bằng sự thống nhất về mặt tổ chức thông qua thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Và trên thực tế, trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, dân chủ ngày càng được mở rộng gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên.
Những quyết định lớn, quan trọng của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, tập hợp trí tuệ của các tổ chức Đảng, đảng viên, cùng với sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Sinh hoạt của các cấp ủy và tổ chức Đảng được tiến hành dân chủ, cởi mở hơn. Cấp ủy viên các cấp, mỗi đảng viên mạnh dạn trình bày ý kiến riêng của mình. Các hình thức hội thảo, đối thoại được tăng cường... Việc bầu cử trong Đảng có nhiều đổi mới. Công tác tổ chức và cán bộ được tiến hành nghiêm túc theo các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch và dân chủ hơn. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong tổ chức Đảng được chấn chỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời. Dân chủ trong hệ thống chính trị và trong xã hội có bước khởi sắc từ việc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo cách mạng nước ta giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới.
Trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiên quyết phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch về nguyên tắc tập trung dân chủ; chúng ta cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ; tổ chức thực hiện đúng nội dung, yêu cầu của nguyên tắc đặc biệt quan trọng này. Phát huy dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng; thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc để nguyên tắc tập trung dân chủ thực sự phát huy tác dụng.
Nói cách khác, không thể thay đổi hay từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Từng tổ chức Đảng, mỗi đảng viên thống nhất nhận thức về vai trò, nội dung của nguyên tắc, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp nêu trên thì nguyên tắc tập trung dân chủ đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác lãnh đạo của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam