Không thể xuyên tạc thành tựu sau 70 năm Giải phóng Thủ đô
Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là dấu mốc đặc biệt, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Thế nhưng, càng gần đến ngày này, các thế lực thù địch lại tăng cường sử dụng những chiêu bài cũ để chống phá. Chúng dùng những hình ảnh cắt ghép, lời lẽ xuyên tạc, bóp méo sự kiện Giải phóng Thủ đô cũng như những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội Thủ đô Hà Nội đã đạt được.
Những thủ đoạn chống phá quen thuộc
Thực tế đã minh chứng, kể từ ngày “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đến nay đã tròn 70 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cùng đất nước vượt qua nhiều chặng đường cam go thử thách, vun đắp truyền thống Thăng Long - Hà Nội thêm tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trên nhiều diễn đàn và trang cá nhân trên mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc về những thành tựu đạt được của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt năm nay, càng gần đến ngày kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), các thế lực thù địch tăng cường sử dụng những hình ảnh cắt ghép, lời lẽ xuyên tạc, bóp méo sự thật để chống phá. Đáng chú ý, chúng đẩy mạnh xuyên tạc chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội.
Điều dễ nhận thấy, từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương và ra quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, đến nay, nhiều đài, báo nước ngoài và các trang mạng phản động vẫn nhai đi nhai lại những luận điệu xuyên tạc như: “Hà Nội nuốt chửng Hà Tây”, “Hà Tây mất đất”, “Sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội - Ai là người trục lợi?”… Từ đó, chúng kêu gọi: “Trả lại đất cho người dân Hà Tây”, “Hà Nội và Hà Tây có nên chia tay?”. Cùng với đó, chúng xuyên tạc chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội; chống phá việc triển khai các công trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô, nhất là những công trình liên quan tới quốc phòng và an ninh. Chúng lợi dụng việc thành phố Hà Nội xử lý một số sự việc liên quan đến quản lý đất đai để lôi kéo người dân nhẹ dạ cả tin, một số thành phần cơ hội chính trị trong nước, lực lượng phản động ở nước ngoài kích động, hình thành các "điểm nóng" khiếu kiện kéo dài rồi tiến hành đăng hình ảnh, video cắt ghép xuyên tạc, bôi nhọ.
Đây là hành động của các tổ chức phản động, những cá nhân chống phá Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, cần phải kiên quyết đấu tranh.
Câu trả lời đanh thép nhất
Những ngày đầu giải phóng, Hà Nội có 43,7 vạn dân cư trú tại 34 khu phố và 45 xã của 4 quận và 4 huyện; bộ máy chính quyền còn rất sơ khai; hầu hết hạ tầng công nghiệp và tài sản công bị địch phá hoại trước khi chúng rút đi. Nhưng chỉ sau 10 năm (1954-1965), với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã đồng lòng vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội. Hàng loạt nhà máy, khu tập thể, công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Đời sống gần 2 vạn hộ dân nghèo đã được cải thiện, với gần 1 vạn ngôi nhà được sửa chữa. Đến năm 1965, Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương vững chắc để cả nước bước vào giai đoạn cao điểm của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Trong 10 năm tiếp theo (1965-1975), Hà Nội vừa tích cực sản xuất, xây dựng Thủ đô, vừa hết lòng chi viện cho miền Nam ruột thịt; đồng thời trực tiếp chiến đấu và đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Cùng với các phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”…, gần 100.000 người con Hà Nội đã cùng thế hệ trẻ cả nước hăng hái cầm súng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh kiên cường của Thủ đô càng chói sáng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 bằng việc chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên chiến thắng được thế giới khâm phục, ngợi ca Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Truyền thống đoàn kết và ý chí vượt qua khó khăn hun đúc từ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước tiếp tục được nhân lên trong giai đoạn 1975-1985, khi Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
Nổi bật là, trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ tăng trưởng, mức tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,27% (năm 2023), cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/ người/năm. Hai năm gần đây, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa; trong đó, thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt hơn 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm. Thành tích này tiếp tục được giữ vững và phát huy trong 10 tháng năm 2024.
Cùng với đó, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư và phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5%. Công tác quốc phòng, an ninh luôn được chú trọng. Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Tính đến tháng 10-2024, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người và không ngừng phát triển. Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn nghìn năm tuổi và được biết đến là “Thành phố di sản”; là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh; nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú.
Mỗi thành quả của Thủ đô Hà Nội trong 70 năm qua là hình ảnh sống động của sự “đồng tâm nhất trí góp sức” của Trung ương và các địa phương trong cả nước dành cho Hà Nội để Thủ đô ngày càng “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, xứng đáng với sự ngợi ca, vinh danh bằng những ngôn từ cao quý và tình cảm tốt đẹp, như: “Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”; “Hà Nội là hồn thiêng sông núi”; “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”; “Hà Nội văn hiến và anh hùng”; “Hà Nội niềm tin và hy vọng”; “Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố Vì hòa bình”...; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Do đó, những lời lẽ, hình ảnh xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch, tổ chức phản động và cá nhân chống phá không có giá trị. Không một thế lực chống phá nào có thể phủ nhận thành tựu Hà Nội đạt được sau 70 năm Giải phóng Thủ đô.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội. Đồng thời, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành tựu Hà Nội đạt được sau 70 năm giải phóng; từ đó, cùng chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển; tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô; để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mãi mãi xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam