Khu vực FDI chiếm hơn 76% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước

Thứ hai, ngày 13 tháng 2 năm 2023 | 15:17

Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 01/2023 đạt 23,61 tỷ USD; trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt tới 17,97 tỷ USD, chiếm 76,1%…

Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 01/2023 (từ ngày 16/01 đến ngày 31/01/2023) đạt 18,09 tỷ USD, giảm 36% (tương ứng giảm 10,17 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 01/2022 do ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết Nguyên đán. 

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 01/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 01/2023 đạt 46,56 tỷ USD, giảm 25% (tương ứng giảm 15,5 tỷ USD) so với tháng 01/2022.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 33,5 tỷ USD, giảm 22,1% (tương ứng giảm 9,52 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 13,06 tỷ USD, giảm 31,5% (tương ứng giảm 6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.  

Trong kỳ 2 tháng 01/2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 39 triệu USD. Tính trong tháng đầu tiên của năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 656 triệu USD.

Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 01/2023 đạt 9,02 tỷ USD, giảm 37,8% (tương ứng giảm 5,47 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 01/2023. Trong đó, một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu biến động giảm mạnh là dệt may giảm 891 triệu USD (tương ứng giảm 56,8%); giày dép giảm 683 triệu USD (tương ứng giảm 66,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 537 triệu USD (tương ứng giảm 31,4%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 507 triệu USD (tương ứng giảm 27,6%)...

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 01 năm 2023 so với kỳ 1 tháng 01 năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 01 năm 2023
so với kỳ 1 tháng 01 năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Như vậy, tính trong tháng 01/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,61 tỷ USD, giảm 25,9%, tương ứng giảm 8,25 tỷ USD so với  cùng kỳ năm 2022.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 01/2023 đạt 7,14 tỷ USD, giảm 33,9% tương ứng giảm 3,66 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong tháng 01/2023 của nhóm các doanh nghiệp này lên 17,97 tỷ USD, giảm 21,5% (tương ứng giảm 4,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 76,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 01/2023 đạt 9,06 tỷ USD, giảm 34,1% (tương ứng giảm 4,7 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 01/2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 01/2023 giảm so với kỳ 1 trước đó chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,28 tỷ USD (tương ứng giảm 32,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 607 triệu USD (tương ứng giảm 36,4%); điện thoại các loại & linh kiện giảm 325 triệu USD (tương ứng giảm 58,1%)...

 

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 01 năm 2023 so với kỳ 1 tháng 01 năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn kỳ 2 tháng 01 năm 2023
so với kỳ 1 tháng 01 năm 2023. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Như vậy, tính trong tháng 01/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 24% (tương ứng giảm 7,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 6,07 tỷ USD, giảm 35,3% (tương ứng giảm 3,32 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 01/2023. Tính trong tháng 01/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 15,53 tỷ USD, giảm 22,8% (tương ứng giảm 4,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 67,7% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Nhận định về tình hình xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu từ cuối năm 2022 chưa thể khắc phục ngay và dự báo sẽ kéo dài sang đầu năm 2023.

Cụ thể, nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Cùng với đó là do những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao.

Đặc biệt, tình hình xuất khẩu còn bị ảnh hưởng do lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, Bộ Công Thương cũng khẳng định còn nhiều yếu tố tích cực như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực…Những yếu tố này sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu trong năm 2023.

Nguồn: https://vneconomy.vn/