Khủng hoảng nhân sự vì dịch, doanh nghiệp nói gì về đề xuất F0, F1 đi làm?
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết nhiều thời điểm cao trào nếu F1 mà phải nghỉ ở nhà thì phải đóng cửa 100%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác vật vã vì 80% mắc Covid-19, 40% khỏi, 40% vẫn nghỉ.
Đề xuất để F0, F1 Covid-19 tình nguyện đi làm
3 hôm nay, chị Miên - kế toán trưởng công ty xây dựng có trụ sở tại La Khê, Hà Đông (Hà Nội) - đều ngồi đến văn phòng ngồi làm việc... một mình. Công ty chị có 15 người thì từ lãnh đạo đến nhân viên đều thay nhau nghỉ vì đang là F0 hoặc F1.
Chị Miên kể công ty vắng tanh, có những bộ phận có thể làm việc trực tuyến, có những bộ phận thì phần việc còn lại của người nghỉ sẽ dồn lên nhân sự đi làm trực tiếp. Song theo chị, với tốc độ hiện nay, không còn hiếm hoi cảnh nhiều công ty hay văn phòng tại Hà Nội vắng tanh như nghỉ Tết vì Covid-19.
Mới đây, Bộ Y tế đưa ra đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm với hình thức trực tuyến, có thể chăm sóc người bệnh Covid-19 tại gia đình, cơ sở điều trị. Đồng thời, F1 được chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm (thay vì cách ly tại nhà 5 ngày), tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến. Người F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
F0 "rồng rắn" đi xin giấy xác nhận (Ảnh: Quân Đỗ)
Việc cho người thuộc diện F0, F1 có thể đi làm là một trong những đề xuất để chuẩn bị cho việc tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Nhiều doanh nghiệp cho biết việc này có thể phần nào giảm những áp lực về nhân sự, tuy nhiên thực tế để triển khai cũng sẽ nhiều khó khăn và những điểm cần lưu ý.
Chia sẻ với Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội - cho biết, ước chừng khoản 80% người lao động thuộc hệ thống này đã mắc Covid-19.
Theo bà Dung, nhiều thời điểm doanh nghiệp xảy ra "khủng hoảng" nhân sự khi số lượng nhân viên nghỉ quá nhiều. Để duy trì vận hành, có lúc hệ thống phải đóng cửa lúc 19h thay vì 22h như bình thường. Cùng với đó, nhiều ca làm việc phải chấp nhận làm 12 tiếng bởi không có người làm.
Với đề xuất của Bộ Y tế, bà Dung cho rằng tùy vào mỗi hoàn cảnh của doanh nghiệp sẽ có những quan điểm khác nhau. Chẳng hạn đối với một hệ thống bán lẻ thì đa số đều làm trực tiếp. Việc được làm việc trực tuyến cũng không giải quyết được vấn đề thông suốt của hệ thống.
"Ngay cả đối với cấp quản lý như tôi thì cũng cần phải thị sát, kiểm tra trực tiếp thì mới đảm bảo vận hành suôn sẻ được", bà Dung nói. Tuy nhiên bà cũng cho rằng không nên để người F0 làm việc vì Covid-19 vẫn là nhóm bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao, chưa kể mắc bệnh thì họ có quyền được nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, chưa kể nếu đã ốm, mệt mỏi rồi thì chẳng ai muốn đi làm nữa.
Cũng theo vị này, nếu chủ quan, chỉ một F0 đi làm cũng có thể sẽ lây bệnh cho cả cơ quan, xí nghiệp, dẫn đến thiếu hụt lao động trầm trọng hơn. Do vậy, theo quan điểm của bà thì tiến tới việc F0 có thể đi làm bình thường cần hết sức lưu ý.
Còn với việc để F1 đi làm bình thường, bà Dung cho rằng đề xuất này hợp lý, giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu bị khủng hoảng nhân sự. "Bây giờ chúng tôi duy trì mở đến 9h nhưng chưa thể trở lại công suất như bình thường. F1 rất nhiều, họ còn phải chăm con cái, người thân bị F0. Nên nhiều người nghỉ tới hơn 20 ngày vì F1, F0", bà Dung nói.
Do vậy, bà cho rằng đề xuất nêu trên cần căn cứ vào mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để có những phương án phù hợp. "Hiện tại bên tôi số người bị trên 80%, 40% khỏi đi làm trở lại còn 40% vẫn nghỉ. Thu ngân 20 người, nhưng bây giờ cả ngày chỉ có 8 nhân viên, rất vất vả", bà Dung cho biết.
Không cần quy định "cứng", miễn là không cấm và xử phạt
Đó là quan điểm của ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước - khi được hỏi về đề xuất F0, F1 có thể đi làm.
Ông Lĩnh cho biết công ty ông ngày nào cũng có hơn 10% số người lao động nghỉ do bị Covid-19 hoặc gia đình có người thân bị phải ở nhà chăm sóc. Mặc dù cũng gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự song ông Lĩnh cho rằng cũng nên cân nhắc việc đưa ra quy định việc F0 có thể đi làm bình thường.
Bởi theo ông, với đề xuất người F0 làm việc trực tuyến, mặc dù công ty cho phép nhân viên tự nguyện đăng ký làm việc hoặc nghỉ ngơi nhưng nếu họ chọn nghỉ có thể lại vấp phải lo ngại bị đánh giá, hoặc có thể xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp thiếu nhân sự vẫn tìm mọi cách "ép" nhân viên đi làm dù họ là F0.
Còn với phương án F1 đi làm khu riêng, xưởng riêng thì theo ông Lĩnh là không khả thi bởi nhiều doanh nghiệp sản xuất làm theo dây chuyền. "Không thể dồn hết những này trong 1 dây chuyền được vì chuyên môn, kĩ năng, yêu cầu công việc khác nhau", ông Lĩnh cho biết.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lĩnh cho rằng chỉ cần không cấm cản, xử phạt việc F0, F1 ra đường, đi làm là "dễ thở" hơn nhiều rồi. Việc đưa ra quy định có thể dễ dẫn đến những phát sinh, bất cập, phiền toái cho doanh nghiệp, người lao động, ông Lĩnh nêu.
Hiện nay tại một số địa phương, F1 vẫn phải nghỉ làm 5 ngày và chỉ đi làm khi có xét nghiệm âm tính. Do vậy đồng tình với phương án người F1 đi làm bình thường, nhiều doanh nghiệp cho biết quy định từ Bộ Y tế sẽ tạo sự đồng nhất ở các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn, cho biết doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng. Ngoài nguyên nhân từ yếu tố thị trường thị trường khi sức mua rất yếu, ông Sơn cho biết nhân viên bị F0 rất nhiều. "Một cửa hàng nếu có một người F0 thì 2 ca dồn lại chỉ bán 1 ca, đóng cửa sớm. Còn cửa hàng nào cả 2 người bị thì sẽ đóng cửa hẳn. Trong giai đoạn này chúng tôi chỉ hoạt động khoảng 60-70% công suất", ông Tý cho biết.
Từ thực tế công ty, ông Nguyễn Ngọc Tý cho biết, nhiều nhân viên chỉ bị 3-4 hôm là khỏi, cần coi Covid-19 như bệnh đặc hữu. "Nhiều thời điểm cao trào, nếu F1 mà nghỉ ở nhà thì đóng cửa 100%", ông Tý cho biết.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, đề xuất cho F0 không triệu chứng đi làm hoàn toàn hợp lý trong điều kiện số ca mắc Covid-19 cao như hiện nay.
"Có nhiều F0 không có triệu chứng nên họ vẫn có thể làm việc online hoặc đến chỗ làm làm việc với một số ngành nghề, vị trí công việc cụ thể. Điều này phụ thuộc vào đặc thù lao động của từng cơ quan, xí nghiệp, chứ không phải F0 nào cũng có thể đi làm", ông Phu nói.
Tuy nhiên theo chuyên gia, với F0 đi làm cần phải áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh (thông điệp 5K) để không lây lan cho người khác. Bởi nếu chủ quan, chỉ một F0 có thể lây bệnh, làm cả cơ quan trở thành F0, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động. Người bệnh thì phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của mình. Việc này cũng cần thống nhất giữa cơ quan, doanh nghiệp với F0.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/khung-hoang-nhan-su-vi-dich-doanh-nghiep-noi-gi-ve-de-xuat-f0-f1-di-lam-20220307170343581.htm
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí