Kích hoạt báo động đỏ cấp cứu bệnh nhân vỡ tim
Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ tim, đa chấn thương, tình trạng nguy kịch, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 lập tức kích hoạt báo động đỏ, tiến hành phẫu thuật cấp cứu.
Khoảng 23h45 ngày 3/10, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (đóng tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp nhận bệnh nhân nam L.V.P. (26 tuổi, trú tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân vỡ tim. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Thời điểm vào viện cấp cứu, anh P. có triệu chứng khó thở nhiều, tím tái, vết thâm tím vùng ngực kèm theo đa chấn thương nghiêm trọng. Theo người nhà, anh P. bị tai nạn giao thông, được chuyển trực tiếp từ Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế.
Bệnh nhân bị tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều, nghi do vỡ tim, đa chấn thương với tình trạng nguy kịch, có chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.
Ngay khi nhận được báo cáo kết quả chuyên khoa, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đã tiến hành kích hoạt quy trình “báo động đỏ liên viện” và lập tức cử một ê-kíp phẫu thuật tim mạch kèm theo thuốc men, trang thiết bị từ Bệnh viện Trung ương Huế di chuyển ra cơ sở 2 để phối hợp thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Ê-kíp phẫu thuật thực hiện dưới sự điều hành của bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại Lồng ngực Tim mạch. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về phòng hậu phẫu tiếp tục theo dõi và hồi sức tích cực. Khoảng 8h ngày 4/10, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt.
Gần 5 ngày sau ca phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân P. tiến triển tốt, sức khoẻ dần ổn định. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đến 14h ngày 7/10, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo hoàn toàn và được rút dẫn lưu ngực và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, vỡ tim xảy ra trong khoảng 0,5-2% tổng số các trường hợp chấn thương ngực nghiêm trọng do tai nạn giao thông, mức độ tử vong rất cao.
“Vỡ tim có tỷ lệ tử vong lên đến 75-90%, bởi tình trạng này thường gây mất máu nhanh chóng hoặc gây ra suy tim đột ngột. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong ngay tại hiện trường trước khi được đưa đến bệnh viện.
Chỉ có khoảng 10-15% bệnh nhân sống sót nếu được cấp cứu và phẫu thuật khẩn cấp ngay lập tức để sửa chữa tổn thương tim. Để cấp cứu thành công trường hợp vỡ tim nguy kịch, quan trọng nhất là yếu tố thời gian và hướng xử lý đúng”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo