Kiểm soát chặt chẽ kê khai tài sản - lấy “chống” để “xây”

Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024 | 17:39

Thời gian gần đây có một số trường hợp cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản không trung thực bị phát hiện và xử lý kỷ luật.

Dư luận nhân dân rất đồng tình, ủng hộ và cho rằng, Đảng, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, theo tinh thần lấy “chống” để “xây”, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác, làm gương của cán bộ, công chức.

1. Kê khai tài sản, thu nhập là việc người kê khai trình bày cụ thể về các khoản tài sản, thu nhập, về nguồn gốc, sự biến động tài sản của mình. Việc làm này là yêu cầu bắt buộc đối với các đối tượng như cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân; người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND… nhằm minh bạch tài sản, thu nhập và là một trong những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, lâu nay, dư luận nhân dân vẫn băn khoăn, hoài nghi về sự giàu lên nhanh chóng của một số cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn. Bởi thực tế, tiền lương và các phụ cấp khác của họ không phải là nhiều. Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn đảm nhận các chức vụ, nhất là trong những lĩnh vực “hot”, không ít người bỗng chốc “phất” lên nhanh chóng. Đáng nói là, bản kê khai bổ sung tài sản, thu nhập hằng năm của họ lại không có sự khác biệt là bao. Hành vi gian dối này chỉ dần lộ ra khi bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố điều tra…

Điển hình là trường hợp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị xử lý kỷ luật, rơi vào vòng lao lý do vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.

Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Giang Hương đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh quyết định cách chức Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (nhiệm kỳ 2021-2026) vì đã không trung thực trong việc kê khai sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai…

Tiếp nữa là trường hợp 1 cán bộ đơn vị thuộc cấp sở ở tỉnh Lâm Đồng bị cơ quan chức năng kiến nghị xử lý về hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Hay trường hợp nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thông qua điều tra vụ án, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản đứng tên người khác.

Những ví dụ trên cho thấy, còn có những “kẽ hở” trong các quy định; một số đối tượng đã lợi dụng để kê khai không trung thực, cố tình giấu giếm những tài sản bất minh.

2. Theo báo cáo của cơ quan thanh tra, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 282.826 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; có 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Trước đó, năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Nhân dân mong muốn rằng, Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, với tinh thần lấy “chống” để “xây”, nhằm tạo sức răn đe cho những ai có ý định không trung thực, che giấu tài sản bất minh.

Cùng với xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ trong kê khai, xác minh, xử lý tài sản, thu nhập vi phạm, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xác minh theo kế hoạch hằng năm đối với người kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên theo quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30-10-2020 về “Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Đặc biệt, cần chú trọng kiểm tra, xác minh đối với các trường hợp cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn có dư luận phản ánh về biểu hiện không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và những cán bộ đột nhiên giàu lên nhanh chóng.

Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai tài sản, cần tiếp tục phát huy “tai mắt” của nhân dân, vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí, bởi qua thực tiễn cuộc sống, đây là một trong những kênh phát hiện, đấu tranh với thói hư tật xấu, tệ tham nhũng… mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, gắn trách nhiệm cấp ủy, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức do cấp mình quản lý.

Một giải pháp đặc biệt quan trọng, đó là công tác tổ chức, cán bộ. Theo đúng tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV của Đảng (ngày 13-3-2024), kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có biểu hiện kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…

Đây chính là biện pháp mạnh mẽ nhất buộc cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn phải chấp hành việc kê khai tài sản, thu nhập một cách trung thực, không được phép gian dối.