Kiên định các biện pháp chống “đô-la hóa”

Thứ tư, ngày 14 tháng 8 năm 2024 | 9:18

Giới chuyên gia đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các biện pháp chống “đô-la hóa” cũng như chính sách lãi suất USD 0% đã và đang phát huy hiệu quả, qua đó góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài

Chính sách lãi suất 0% đối với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ “đô-la hóa” trong nền kinh tế giảm mạnh.
Chính sách lãi suất 0% đối với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ “đô-la hóa” trong nền kinh tế giảm mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy, việc áp dụng chính sách lãi suất 0% đối với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ “đô-la hóa” trong nền kinh tế giảm mạnh. Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng có xu hướng giảm,…

Nâng cao vị thế VND

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt việc điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chống “đô-la hóa”, từng bước chuyển dần quan hệ huy động-cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua-bán, từ đó nâng cao vị thế của VND. Thực hiện chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kết hợp linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đưa lạm phát từ mức hai con số xuống một con số và duy trì ở mức thấp.

Phương châm bảo đảm nắm giữ VND có lợi hơn USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung kiên định triển khai trong điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất và tỷ giá. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD 1%/năm đối với tổ chức vào năm 2010 và 3%/năm đối với cá nhân năm 2011; điều chỉnh giảm dần về mức 0%/năm từ cuối năm 2015.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai để ổn định thị trường ngoại hối, kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND. Nhờ chính sách này, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Tỷ lệ “đô-la hóa” trong nền kinh tế giảm mạnh.

Từ năm 2016 đến nay, cơ quan này đã mua ròng khoảng 48,2 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối, trong đó tính riêng từ năm 2016 đến năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua ròng khoảng 71 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng. Lạm phát được kiểm soát giảm mạnh, nâng tầm giá trị VND và chuyển hóa nguồn lực USD trong dân thành nguồn vốn phục vụ nền kinh tế. Nguồn huy động ngoại tệ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong nước, thể hiện qua hệ số tín dụng/huy động ngoại tệ dưới 100% và giảm đều qua các năm từ mức 77,43% năm 2016 xuống mức 52,65% đến tháng 6/2024.

Việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai để ổn định thị trường ngoại hối, kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND. Nhờ chính sách này, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Tỷ lệ “đô-la hóa” trong nền kinh tế giảm mạnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà

Đánh giá cao các biện pháp nêu trên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Võ Trí Thành khẳng định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống “đô-la hóa” nền kinh tế. Việc kiên định duy trì mức lãi suất 0% đối với USD đã trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đã có một vị thế mới.

 

Duy trì chính sách lãi suất USD 0%

Theo chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, ngay từ ban đầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kế hoạch và lộ trình rõ ràng đối với việc duy trì hướng đến đưa lãi suất USD về 0%. Mặc dù còn một vài bất cập, nhưng những khó khăn này có thể điều chỉnh được và nhìn chung, công tác điều hành chính sách lãi suất và ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho thấy tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô. Ông Nghĩa cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục duy trì và thực hiện đánh giá toàn diện chính sách này trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu để thực hiện đúng chủ trương giảm “đô-la hóa” của Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng nghĩa với việc giảm sự hấp dẫn của việc nắm giữ đồng USD trong tương lai.

Chung quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt đánh giá, hiện nay thị trường rất ổn định. Trong thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý chưa cần can thiệp và nên giữ nguyên chính sách lãi suất USD 0%. “Phải xuất phát từ vấn đề gì đó rất bất cập trong thực tế, khi thị trường xảy ra biến động lớn thì mới cần phải điều chỉnh chính sách”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt khuyến nghị.

Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, chống “đô-la hóa” là mục tiêu xuyên suốt cần kiên định thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra, là định hướng lâu dài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục triển khai. Qua thực tế điều hành, mục tiêu chống “đô-la hóa” đến nay đã và đang đạt được những thành công nhất định. Chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% là trụ cột chính của chủ trương chống “đô-la hóa”, hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô.

Do vậy, định hướng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiên trì thực hiện chuyển dần quan hệ huy động-cho vay sang mua-bán ngoại tệ, chống “đô-la hóa” theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Trong ngắn hạn, nếu thay đổi lãi suất USD thì thị trường sẽ nhìn nhận như một giải pháp tình thế, gây tác động tiêu cực. Trong trung hạn, nhìn vào chính sách tiền tệ của Mỹ, mặc dù lãi suất USD cao hơn 5% nhưng lãi suất đồng USD liên ngân hàng trên thị trường Mỹ sẽ ở mức khoảng 2,25-2,3%. Nếu vậy, Việt Nam có thể duy trì trung hạn lãi suất tiền gửi 0% với USD. Còn trong dài hạn, Việt Nam nên kiên định chuyển từ huy động-cho vay ngoại tệ sang mua-bán ngoại tệ, từ đó nâng cao vị thế của VND.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành

(Trường đại học Fulbright Việt Nam)