Kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ tư, ngày 20 tháng 11 năm 2024 | 9:47

Khi chúng ta đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đặc biệt gần đây, nhân kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, trên nhiều trang mạng xã hội phản động, các thế lực thù địch lại tìm mọi cách bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin và “khuyên” chúng ta không nên lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đây là âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái đó.

1. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước ta đều khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã nhấn mạnh, một trong những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[1].

Thế nhưng, giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch thường đem đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác - Lênin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan điểm trên đây là sai lầm cả về lịch sử và logic.

Về mặt lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh có cội nguồn và được hình thành từ việc tiếp thu các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là nguồn gốc lý luận quan trọng nhất, là cơ sở chủ yếu nhất để hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động trí tuệ và thực tiễn sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để nghiên cứu thực tiễn và tìm ra con đường cách mạng Việt Nam, vượt lên trước những nhà yêu nước đương thời, khắc phục được sự khủng hoảng về con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Như vậy, về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin, chứ không có sự đối lập như một số người tưởng tượng ra. Và do đó cũng không có cái gọi là “cuộc nội chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin” từ năm 1930 đến nay ở Việt Nam như có người nhận định.

Một số người nhân danh đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh để hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ nói tư tưởng Hồ Chí Minh mới là sản phẩm của Việt Nam, có nguồn gốc Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác - Lênin là “ngoại lai”, “ngoại nhập”, không phù hợp với Việt Nam, thậm chí có người muốn đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ giữ lại tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan điểm đó nhân danh đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, song thực chất chính là nhằm phủ nhận cả tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta xác định nền tảng tư tưởng của Đảng gồm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là rất đúng đắn, phù hợp, thể hiện mối quan hệ biện chứng, thống nhất, gắn bó giữa hai bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống đối tư tưởng Hồ Chí Minh thường hay đề cập những khiếm khuyết của thực tại để làm luận cứ. Thực tế cho thấy, trong quá trình lãnh đạo nhà nước và xã hội, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, Đảng ta còn những khuyết điểm, sai lầm, nhưng nó không bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất của chế độ chính trị do Đảng ta lãnh đạo, mà chủ yếu là do nhận thức, vận dụng chưa đúng, chưa sát, hay tổ chức thực hiện thiếu khoa học. Tuy nhiên, không chịu nhìn vào thực tế, một số người tự nhận mình là “nhà dân chủ”, “chí sĩ yêu nước” sử dụng nhiều diễn đàn, đặc biệt là mạng xã hội tiếp tục nêu “luận điểm” và “khuyên” Đảng ta: Nếu theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ dẫn đến trì trệ. Họ “lý lẽ”, sự phát triển của thế giới này là quy tụ của những tinh hoa trí tuệ chứ đâu chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xin lưu ý với những phần tử phản động, chống đối, cơ hội chính trị rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự kết tinh trí tuệ của nhân loại và dân tộc mà còn là sự cộng hưởng và nhân lên các giá trị đó. Bởi, bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng. Đây là điều đã được thực tiễn chứng minh, không thể xuyên tạc, bóp méo.

Từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin đã tồn tại và trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Mặc dù mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ; mặc dù chủ nghĩa đế quốc cùng những thế lực phản động, thù địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc chống phá, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn tại, phát triển mà chưa có một học thuyết nào có thể thay thế được. Nó có giá trị trường tồn, sức sống bền vững. Hơn lúc nào hết, chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành ngọn cờ tư tưởng, lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức thời đại, nhận thức tình hình thế giới và trong nước, là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra đường lối, chính sách đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường như hiện nay.

2. Ngày 7-11-1917, một sự kiện lịch sử vĩ đại của nhân loại đã diễn ra ở nước Nga, quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đã tiến hành cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, phá vỡ mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, lập nên Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Những ngày gần đây, nhân kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục cố tình hoặc không nhận thức được giá trị, ý nghĩa, sự ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, họ không ngừng đẩy mạnh công kích, phủ nhận bằng các luận điệu sai trái, phản động và xuyên tạc, rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là “tiếm quyền”, “mạo danh”, là “sự sai lầm”, “chệch hướng”, “quái thai của lịch sử”, là sự “đẻ non”, “chín ép” và đã đến “hồi kết thúc”; hay Cách mạng Tháng Mười Nga thực chất là một cuộc “bẻ ghi” đường tàu, khiến một phần nhân loại rẽ sang “đường vòng”...

Tuy nhiên, cho dù chúng có ra sức khua môi, múa mép và cố nhào nặn câu chữ đến đâu, cũng không thể làm lu mờ được một sự thật lịch sử hợp quy luật của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo ra bước ngoặt và những thành tựu to lớn trong thế kỷ XX; không thể hạ thấp được ý nghĩa thời đại và tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với tiến trình phát triển của nhân loại, không chỉ ở thế kỷ XX mà cả trong thế kỷ XXI. Bởi đây là cuộc cách mạng vĩ đại, phù hợp với sự phát triển lịch sử tự nhiên; là thực tiễn không thể chối bỏ, xuyên tạc.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là minh chứng hùng hồn nhất về việc vận dụng và đưa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin thành hiện thực cuộc sống sinh động. Chủ nghĩa xã hội từ chỗ là “bóng ma ám ảnh châu Âu” thì nay được biết đến không chỉ là một học thuyết, mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Lý tưởng, mục tiêu, khát vọng của quần chúng lao động đứng lên đấu tranh giải phóng khỏi sự áp bức đã khẳng định tính khoa học, cách mạng của lý luận Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và trở thành sức mạnh hiện thực của chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.

Không chỉ vậy, sự ra đời của nước Nga - Xô viết đã phủ định về nguyên tắc đối với chủ nghĩa tư bản, tạo nên sự đối trọng, buộc giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới phải tìm cách tự điều chỉnh, thích nghi cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, để kéo dài sự tồn tại. Do đó, các luận điệu coi Cách mạng Tháng Mười Nga là “sự sai lầm”, “chệch hướng”, “quái thai của lịch sử” là sự xuyên tạc phiến diện, vô căn cứ.

Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga “có một sức lôi cuốn kỳ diệu”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[3].

Trung thành với con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành những thắng lợi to lớn cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[4].

* *

*

Với tất thảy thực tiễn đã diễn ra, chúng ta kiên quyết bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết để Đảng ta giữ vững bản chất cách mạng, vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội; là nền tảng tư tưởng vững chắc, kim chỉ nam để Đảng hoạch định đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.