Kinh Doanh Tài Chính - Chứng Khoán Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp đi lùi vì tỷ giá

Thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 2022 | 7:8

Tỷ giá USD/VNĐ tăng cao đã khiến nhóm doanh nghiệp có nợ vay bằng USD lớn chịu ảnh hưởng. Trong đó, nhóm chịu tác động nhiều nhất chủ yếu tập trung trong cấp phát điện.

Báo cáo tài chính quý III của Tổng công ty Phát điện 3 - EVNGenco 3 (PGV) - mới công bố cho biết diễn biến tăng mạnh của tỷ giá USD/VNĐ thời gian qua đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.

Cụ thể, trong quý gần nhất, EVNGenco 3 vẫn ghi nhận doanh thu thuần tăng 38% so với cùng kỳ, đạt hơn 12.100 tỷ đồng. Giá vốn tăng thấp hơn (33%) giúp biên lãi gộp nhà cấp phát điện này tăng đáng kể so với cùng kỳ, qua đó thu về khoản lãi gộp 1.666 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước.

Thay đổi lớn cũng diễn ra ở hoạt động tài chính khi doanh thu hoạt động này chỉ mang về cho EVNGenco 3 gần 132 tỷ đồng trong quý vừa qua, giảm tới 79% so với cùng kỳ. Ngược lại, chi phí tài chính tại tăng gấp 4 lần, tiêu tốn của doanh nghiệp hơn 1.261 tỷ đồng.

Biến động lớn kể trên là nguyên nhân chính khiến kết quả lợi nhuận trước và sau thuế quý III của tổng công ty này giảm mạnh gần 65% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 380 tỷ và 315,5 tỷ đồng.

 
Doanh nghiệp ngành cấp phát điện là nhóm chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tăng của tỷ giá USD/VNĐ từ đầu năm. Ảnh: Quỳnh Danh.
  •  
  •  
ty gia usd/vnd,  doanh nghiep nganh dien anh 1

Doanh nghiệp ngành cấp phát điện là nhóm chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tăng của tỷ giá USD/VNĐ từ đầu năm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lỗ tỷ giá kéo lợi nhuận đi lùi

Theo lý giải của EVNGenco 3, nguyên nhân chính dẫn tới khoản tăng chi phí tài chính là do trong quý III công ty đã ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng tới 1.334 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tính riêng quý III, doanh nghiệp này đã lỗ 793 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 541 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí lãi vay của tổng công ty quý vừa qua cũng tăng 134 tỷ, lên 432 tỷ đồng, cũng có tác động từ việc đánh giá lại các khoản vay bằng USD.

Thực tế, EVNGenco 3 không phải doanh nghiệp duy nhất trong ngành sản xuất và phân phối điện chịu cảnh lợi nhuận đi lùi vì tác động của tỷ giá. Với đặc thù có dư nợ vay lớn bằng tiền USD, việc tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh từ đầu năm đã khiến một loạt doanh nghiệp ngành này chịu tác động tương tự.

Như trường hợp của Tổng công ty Phát điện 2 - EVNGenco 2 (GE2) - trong quý III, doanh nghiệp này cũng ghi nhận doanh thu tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 6.900 tỷ đồng. Giá vốn tăng thấp hơn giúp lãi gộp của công ty tăng gấp 2,4 lần cùng kỳ, đạt trên 1.660 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giống EVNGenco 3, doanh thu tài chính của EVNGenco 2 trong quý gần nhất cũng giảm mạnh 81%, chỉ còn 197 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng gấp gần 3 lần, tiêu tốn của doanh nghiệp 340 tỷ.

Khoản chi phí kể trên cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 79%, lên 190 tỷ đồng đã bào mòn lợi nhuận của EVNGenco 2. Kết quả là lãi ròng của tổng công ty này quý III đã giảm 18%, đạt gần 1.200 tỷ đồng.

LỢI NHUẬN NHIỀU DOANH NGHIỆP NGÀNH ĐIỆN ĐI LÙI VÌ TỶ GIÁQuý I/2022Quý II/2022Quý III/2022EVNGenco 2EVNGenco 3PV PowerNhiệt điện Quảng NinhNhiệt điện Hải PhòngTập đoàn PC10250500750100012501500

Lý giải về khoản chi phí tài chính tăng mạnh quý vừa qua, EVNGenco 2 cũng cho biết phần lớn trong số này là số lỗ từ chênh lệch tỷ giá (gần 133 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ lãi 953 tỷ.

Báo cáo tài chính quý III của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.070 tỷ đồng. Nếu so với hai quý liền trước, mức doanh thu này của công ty cũng tăng 21% và 15%.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế nhà máy nhiệt điện Hải Phòng thu về được trong quý vừa qua chỉ là gần 41 tỷ đồng, tăng 559% so với cùng kỳ nhưng chỉ tương đương 1/6-1/7 mức lợi nhuận thu về trong hai quý liền trước năm nay.

Theo ban lãnh đạo công ty, các nguyên nhân giúp lợi nhuận sau thuế tăng trong quý vừa qua là nhờ giá bán điện tăng trong khi chi phí lãi vay giảm do số dư nợ vay dài hạn giảm dần. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản thu nhập khác tăng so với cùng kỳ do điều chỉnh theo Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những tác động khiến lãi ròng công ty sụt giảm bao gồm giá vốn tăng do chi phí nhiên liệu tăng; doanh thu tài chính giảm do không có lãi chênh lệch tỷ giá như cùng kỳ.

Bên cạnh đó, chi phí chênh lệch tỷ giá quý vừa qua cũng tăng hàng chục tỷ đồng so với cùng kỳ do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá từ đánh giá lại khoản gốc vay cũng tác động đến lợi nhuận sau cùng của Nhiệt điện Hải Phòng.

Kết quả là lợi nhuận quý III của nhà máy nhiệt điện này vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng đã đi lùi so với hai quý đầu năm.

Tương tự, báo cáo tài chính của một loạt doanh nghiệp ngành điện như Công ty CP Tập đoàn PC1 (PC1); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (POW); Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP)… cũng ghi nhận những tác động từ xu hướng tăng của tỷ giá làm tăng chi phí tài chính và ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận sau cùng.

Áp lực từ các khoản nợ vay bằng USD

Không chỉ nhóm ngành điện, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhưng có dư nợ vay USD cao cũng chịu tác động tương tự từ việc tỷ giá USD.

Như Vietnam Airlines (HVN), chi phí tài chính (chủ yếu là lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỷ giá) tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, cùng với các khoản chi cho hoạt động kinh doanh, chi phí nhiên liệu đã khiến hãng bay này tiếp tục báo lỗ trong quý gần nhất, bất chấp doanh thu quý III đạt gần 21.200 tỷ đồng, tăng tới 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (PVD) - quý vừa qua ghi nhận 1.242 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ, nhưng lại báo lỗ ròng gần 52 tỷ (cùng kỳ vẫn lãi 56 tỷ đồng).

Một trong những nguyên nhân khiến PV Drilling thua lỗ được ban lãnh đạo lý giải là chi phí tài chính quý III tăng mạnh do tỷ giá đồng USD tăng cao, cũng như biến động Libor làm tăng chi phí lãi vay.

Ngoài ra, lợi nhuận từ các dịch vụ liên quan đến khoan và lợi nhuận từ các công ty liên doanh giảm cũng khiến lợi nhuận ròng của công ty rơi xuống mức âm trong quý gần nhất.

tỷ đồngKẾT QUẢ KINH DOANH GẦN ĐÂY CỦA VIETNAM AIRLINESLỗ chênh lệch tỷ giá là một trong những nguyên nhân khiến Vietnam Airlines chưa thể có lãi trong quý III năm nay.Doanh thu thuầnLợi nhuận sau thuếQuý I/2020IIIIIIVQuý I/2021IIIIIIVQuý I/2022IIIII-10k-5k05k10k15k20k25k

Ghi nhận trong báo cáo chiến lược của Chứng khoán VNDirect, các chuyên gia phân tích tại đây cho rằng nhiều doanh nghiệp sẽ chịu áp lực kép khi tỷ giá USD/VNĐ tăng giai đoạn cuối năm. Trong đó, điểm chung của các doanh nghiệp này là đều có dư nợ vay USD lớn.

Theo VNDirect, mức độ ảnh hưởng sẽ có sự khác biệt giữa các hình thức trả lãi (cố định hoặc thả nổi) và kỳ hạn khoản vay (ngắn hạn hoặc dài hạn).

Cụ thể, với hình thức trả lãi, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp vay USD với lãi cố định và/hoặc thả nổi đều phải chịu áp lực tăng chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vay USD theo lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn do phải chịu thêm áp lực tăng lãi vay USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Với thời hạn trả lãi, các chuyên gia phân tích cho rằng những doanh nghiệp có tỷ trọng vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động lớn hơn những doanh nghiệp có tỷ trọng vay dài hạn.

Theo đó, Fed với quan điểm “diều hâu” hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây ra áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến giá trị các khoản vay ngắn hạn gia tăng về nợ gốc, đồng thời gây ra những rủi ro về dòng tiền đối với doanh nghiệp khi phải xoay xở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay đến hạn.

Bên cạnh đó, khi các khoản nợ vay ngắn hạn này đáo hạn, khả năng cao doanh nghiệp sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó làm tăng chi phí lãi vay.

Ngược lại, những doanh nghiệp có tỷ trọng vay USD dài hạn sẽ chưa phải đối diện với việc đáo hạn nợ gốc. Tuy nhiên, biến động bất lợi của tỷ giá cũng khiến các công ty này phải đánh giá lại khoản vay và ghi nhận lỗ kế toán trên báo cáo kết quả kinh doanh, cũng như gia tăng chi phí lãi vay.

Theo VNDirect, trong dài hạn, những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng USD lớn có thể đỡ áp lực hơn khi áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt và Đồng Việt Nam sẽ tăng giá lại so với USD trong năm 2023.

Tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước bơm tiền trở lại

Ngay khi ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt của tỷ giá USD/VNĐ, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm tiền Đồng trở lại nền kinh tế để giảm áp lực lên lãi suất huy động.