Kinh tế 2024: Nhiều kỷ lục, 'đại bàng' tỷ USD dọn ổ dù thận trọng bao trùm

Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 | 8:11

Kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều biến động trong năm 2024 với sức cầu tiêu dùng yếu, bất động sản phục hồi chậm, áp lực nợ trái phiếu của các DN lớn... Tuy nhiên, xuất khẩu tăng mạnh, loạt “đại bàng” tỷ USD mang đến triển vọng tích cực.

Lời tòa soạn: Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động của tình hình kinh tế chính trị thế giới. Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam đã "vượt ngàn chông gai" để về đích với những con số ấn tượng về tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài,... Cùng với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân... nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.

Cùng VietNamNet điểm lại những sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2024 với niềm tin mới, sức sống mới cho chặng đường tiếp theo.

Vượt qua một năm khó khăn

Kinh tế Việt Nam năm 2024 ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, có thể đạt trên 7% và tiếp tục đứng đầu trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN (ASEAN-6).

Kết quả này có lẽ không bất ngờ đối với giới đầu tư quốc tế, khi nền kinh tế Việt Nam đang bứt phá và được xem là ngôi sao sáng tại khu vực châu Á; nhưng có thể gây chút ngạc nhiên với giới đầu tư trong nước bởi những khó khăn và thách thức mà cả nước phải đối mặt.

Đó là sự kém tươi sáng trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân, đầu tư công khá chậm chạp, thị trường bất động sản hồi phục ì ạch, hàng loạt doanh nghiệp đối mặt với gánh nặng nợ nần, trong đó có trái phiếu. Bên cạnh đó là tỷ giá leo thang, sức cầu tiêu dùng yếu, ảnh hưởng của cơn bão Yagi...

Ngay đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng rất mạnh, tới cuối tháng 3 lên mức 25.000 VND đổi 1 USD, tăng gần 2,4% so với đầu năm. Sau đó, tỷ giá lại vọt lên trên 25.500 VND (giá bán Vietcombank) từ giữa tháng 11, tăng khoảng 4,4% so với đầu năm. Từ đó, gây áp lực tới hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong nỗ lực hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Hệ thống ngân hàng có thời điểm thừa tiền với lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng phần lớn thời gian quý I ở mức 0,15-0,5%/năm. Tín dụng tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm và sang tháng 3 mới thoát tình trạng này, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 nhờ loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Thị trường bất động sản ghi nhận những phiên đấu giá sốt nóng tại một số khu vực ở Hà Nội và giá chung cư, đất nền ở trung tâm và ven đô hai thành phố lớn TPHCM, Hà Nội tăng mạnh nhưng giao dịch khá trầm lắng, có dấu hiệu ảo. Doanh nghiệp địa ốc tiếp tục thua lỗ, nợ nần.

Nvidia ThutuongChinh Dec52024 VGPNhatBac.gif

Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia Jensen Huang uống bia cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 5/12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Áp lực trái phiếu đáo hạn lớn. Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho hay, trong tháng 12, có khoảng 39 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn, trong đó có 7.000 tỷ đồng đến từ các doanh nghiệp bất động sản. Khoảng 16 trái phiếu đến từ 15 doanh nghiệp khác nhau có khả năng không thể thanh toán đúng hạn. Còn theo VIS Ratings, tổng giá trị trái phiếu chậm trả trên toàn thị trường đạt khoảng 189 nghìn tỷ đồng từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2024.

Sức cầu tiêu dùng yếu. Tổng mức bán lẻ trong 11 tháng đạt hơn 5,8 triệu tỷ, tăng 8,8% so với tháng 11/2023, thấp hơn mức tăng 9,7% cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ còn tăng 5,8%, so với mức 7% cùng kỳ. Đầu tư công 11 tháng ước đạt hơn 73% kế hoạch năm.

Dòng tiền đổ vào nền kinh tế cũng như các kênh đầu tư khá thấp. Tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng, liên tục lập đỉnh cao, tới cuối tháng 9 đạt khoảng 14 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền vào thị trường cổ phiếu không nhiều, khiến chỉ số VN-Index cả năm không bứt qua nổi 1.300 điểm, chủ yếu quanh quẩn ở mốc 1.200 điểm vốn đã được xác lập từ năm 2006. Khối ngoại bán ròng khoảng 3,1 tỷ USD cổ phiếu Việt trong 11 tháng, cao kỷ lục lịch sử. Một số mã trụ cột trên sàn bị tổ chức lớn rút vốn như Vinhomes, Masan...

Thị trường vàng cũng có một năm bất thường, giá tăng mạnh theo thế giới, có thời điểm cao hơn quốc tế 18-20 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước sau đó đưa ra nhiều biện pháp, kéo chênh về mức 3-4 triệu đồng, nhưng giao dịch vẫn trầm lắng.

Những tín hiệu tươi sáng

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có một năm tăng trưởng mạnh hàng đầu khu vực. Nhiều tín hiệu tích cực, hứa hẹn triển vọng tươi sáng trong năm 2025.

Rõ nét nhất là các dự báo tăng trưởng cao đến từ các tổ chức lớn trên thế giới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng ước tính tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2024 tăng 6,4% thay vì 6%, nâng dự báo năm 2025 lên 6,6% so với 6,2% trước đó. Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,6% vào năm 2025 và duy trì dự báo năm 2024 là 6,4%... Việt Nam đặt mục tiêu là 6,5-7% cho năm 2024 và nỗ lực đạt 7-7,5% trong năm 2025.

Tín hiệu tươi sáng nhất xuất hiện trong tháng cuối cùng của năm. Đó là sự trở lại của tỷ phú Jensen Huang sau một năm, cùng với quyết định Nvidia chọn Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), hay Google cũng chọn Việt Nam là nơi mở rộng chiến lược.

Tỷ phú Jensen Huang chia sẻ rằng Việt Nam là "ngôi nhà thứ 2 của Nvidia" và tin Việt Nam sở hữu siêu năng lực đặc biệt, có nhiều lợi thế.

Trước đó, hồi tháng 11, một nhà cung ứng của Apple - Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, còn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo.

SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng lộ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, còn Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên.

Triển vọng kinh tế dài hạn là sáng sủa khi dòng vốn FDI vẫn không ngừng đổ vào Việt Nam. Trong năm 2024, số lượng khu công nghiệp được cấp phép đầu tư tăng vọt, với hàng chục khu mới, có diện tích hàng nghìn ha. Bắc Giang, Hà Nam... là những cái tên nổi bật. Nhiều ông lớn như Vinhomes cũng bước chân vào lĩnh vực này.

Trong năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, với 31 tỷ USD trong 11 tháng. Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm nhiều FTA thế hệ mới. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong năm vượt mốc 700 tỷ USD.

Việc ông Donald Trump thắng cử được kỳ vọng là yếu tố sẽ thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam, nơi có chính sách đầu tư thuận lợi, chi phí lao động thấp và nền kinh tế ổn định. Giới đầu tư kỳ vọng vào các doanh nghiệp công nghệ như FPT, VNG, Viettel, VNPT, CMC, VNPay...

Kỳ vọng còn ở chỗ Việt Nam có tín hiệu hút được dòng vốn quan trọng từ các ông lớn công nghệ. Theo Oxford Economics, Việt Nam dần trở thành một trung tâm quan trọng trong ngành chip bán dẫn toàn cầu, bên cạnh động lực chế biến chế tạo, trong đó có sản xuất linh kiện điện tử.

Với xu hướng này, Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững hơn, nhanh hơn, giảm phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam đã có những bước tiến về cơ sở hạ tầng, trong đó có việc hoàn thành đường dây 500kV mạch 3, thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ các metro... Lần đầu tiên trong lịch sử, hãng xe điện Việt chiếm ngôi số 1 thị trường ôtô nội địa. Bên cạnh đó là nhiều luật sửa đổi có hiệu lực hỗ trợ phát triển kinh tế, như nhóm luật liên quan bất động sản....