Kinh tế Ấn Độ suy thoái khi 90% phụ nữ biến mất khỏi lực lượng lao động
Một phần nhỏ phụ nữ ở Ấn Độ có việc làm chính thức trước đại dịch nhưng Covid-19 đã làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều.
Phụ nữ đấu tranh để được… đi làm
Trong nhiều năm, Sanchuri Bhuniya đã đấu tranh với lời cầu xin của bố mẹ rằng hãy sống một cuộc đời an phận. Nhưng cô muốn đi du lịch và kiếm tiền, chứ không phải trở thành một bà nội trợ.
Vì vậy, vào năm 2019, Bhuniya đã lẻn ra khỏi ngôi làng biệt lập của cô ở miền đông Ấn Độ. Cô đi chuyến tàu hàng trăm dặm về phía nam, đến thành phố Bengaluru và tìm việc trong một xưởng may với thu nhập 120 USD/tháng. Công việc đã giải phóng cô ấy. “Tôi đã bỏ chạy. Đó là cách duy nhất tôi có thể đi khỏi nơi đó”, cô nói.
Nhưng cuộc sống tự do tài chính đó đã kết thúc đột ngột với sự xuất hiện của Covid-19. Năm 2020, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố đóng cửa toàn quốc để hạn chế lây nhiễm cũng như đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp.
Trong vòng vài tuần, hơn 100 triệu người Ấn Độ bị mất việc làm, bao gồm cả Bhuniya, người buộc phải quay trở lại làng của mình và không bao giờ tìm được một công việc ổn định nào khác.
Trước đại dịch, phụ nữ Ấn Độ đảm nhận những công việc liên quan đến chăm sóc gấp 10 lần nam giới. (Nguồn: NDTV).
Khi thế giới thoát khỏi đại dịch, các nhà kinh tế cảnh báo về một điểm đáng lo ngại: Việc không khôi phục được việc làm cho phụ nữ - những người ít có khả năng quay trở lại lực lượng lao động hơn nam giới - có thể làm ảnh hưởng hàng nghìn tỷ USD tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Dự báo đặc biệt ảm đạm ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, nơi mà sự tham gia của lực lượng lao động nữ giảm mạnh đến mức hiện đang ở cùng mức với Yemen – quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá.
Từ năm 2010 đến năm 2020, số lượng phụ nữ đi làm ở Ấn Độ giảm từ 26% xuống còn 19%, theo số liệu do Ngân hàng Thế giới tổng hợp. Khi tình trạng lây nhiễm gia tăng, tình hình tồi tệ trở nên nghiêm trọng: Các nhà kinh tế ở Mumbai ước tính rằng việc làm của nữ giới giảm mạnh xuống 9% vào năm 2022.
Đây là một tin tai hại đối với nền kinh tế Ấn Độ, vốn đã bắt đầu phát triển chậm lại trước đại dịch. Thủ tướng Modi đã ưu tiên tạo việc làm, thúc đẩy đất nước phấn đấu vươn tới một kỷ nguyên vàng của tăng trưởng. Nhưng chính quyền của ông đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc cải thiện triển vọng cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.
Điều này đặc biệt đúng ở các vùng nông thôn, nơi có hơn 2/3 trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sinh sống, những người theo chủ nghĩa bảo thủ ngự trị và đã không tham gia vào lực lượng lao động trong nhiều năm. Bất chấp sự mở rộng kinh tế nhanh chóng của quốc gia, phụ nữ vẫn phải đấu tranh để chuyển sang làm việc ở các trung tâm thành thị.
Thu hẹp khoảng cách việc làm giữa nam và nữ (lên tới 58%) có thể mở rộng GDP của Ấn Độ lên gần 1/3 vào năm 2050. Con số này tương đương với gần 6 nghìn tỷ USD tính theo đồng đô-la Mỹ, theo một phân tích gần đây từ Bloomberg Economics.
Nếu không thay đổi, quốc gia này sẽ chệch hướng trong hành trình trở thành nhà sản xuất cạnh tranh cho các thị trường toàn cầu. Mặc dù phụ nữ ở Ấn Độ chiếm 48% dân số, nhưng họ chỉ đóng góp khoảng 17% GDP so với 40% ở Trung Quốc.
Ấn Độ là một minh họa cực đoan cho một hiện tượng toàn cầu. Trên khắp thế giới, phụ nữ có nhiều khả năng bị mất việc làm hơn nam giới trong thời kỳ đại dịch và quá trình phục hồi của họ diễn ra chậm hơn.
Theo Bloomberg Economics, những thay đổi chính sách nhằm giải quyết chênh lệch giới và tăng số lượng phụ nữ đi làm - chẳng hạn như được cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, chăm sóc trẻ em hoặc sắp xếp công việc linh hoạt - sẽ giúp tăng thêm khoảng 20 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2050.
Đối với những công nhân như Bhuniya, đại dịch đã để lại hậu quả nặng nề. Sau khi mất việc, cô phải vật lộn để đủ tiền mua thức ăn ở Bengaluru và cuối cùng trở về ngôi làng xa xôi của mình, Patrapali, ở bang Odisha. Bhuniya không nghĩ rằng cô ấy sẽ có cơ hội khác để đi làm việc. Cô ấy không còn kiếm được thu nhập ổn định, nhưng gia đình cô lo lắng cho sự an toàn của cô khi một phụ nữ độc thân sống ở một thành phố xa xôi.
“Nếu tôi bỏ chạy lần nữa, mẹ tôi sẽ nguyền rủa tôi. Bây giờ, tôi không còn gì cả. Tài khoản của tôi trống rỗng và có rất ít công việc trong làng”, Bhuniya nói.
Phụ nữ không đi làm là gia đình có địa vị cao trong xã hội?
Trong đại dịch, Rosa Abraham, giáo sư kinh tế tại Đại học Azim Premji ở Bengaluru, đã theo dõi hơn 20.000 người khi họ điều hướng thị trường lao động. Cô phát hiện ra rằng sau đợt phong toả đầu tiên, phụ nữ có nguy cơ mất việc làm cao hơn nam giới gấp nhiều lần và ít có khả năng phục hồi công việc hơn sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.
Abraham nói: “Khi đàn ông phải đối mặt với cú sốc kinh tế lớn này, họ có một phương án dự phòng. Họ có thể chuyển sang các loại công việc khác nhau. Nhưng đối với phụ nữ, không có lựa chọn dự phòng nào như vậy. Họ không thể đàm phán việc làm hiệu quả như nam giới”.
“Thật không may khi quyết định làm việc thường không nằm trong tay của người phụ nữ,” Abraham nói.
Sự suy giảm trong việc tham gia của lực lượng lao động một phần cũng do văn hóa. Khi người Ấn Độ trở nên giàu có hơn, các gia đình có đủ khả năng đã giữ phụ nữ ở nhà vì cho rằng điều đó tạo nên địa vị xã hội.
Ở một khía cạnh khác, những người ở tầng lớp thấp nhất của xã hội được coi là những người có tiềm năng kiếm tiền. Nhưng họ có xu hướng làm những công việc không công hoặc những công việc không được trả lương. Trong thống kê chính thức, lao động của họ không được tính.
Ở nhiều ngôi làng, các giá trị phụ hệ vẫn còn tồi tệ và sự kỳ thị đối với trẻ em gái vẫn tồn tại. Mặc dù bất hợp pháp, phá thai để lựa chọn giới tính vẫn còn phổ biến. Akhina Hansraj, quản lý chương trình cấp cao tại Trung tâm Akshara, một tổ chức ủng hộ bình đẳng giới có trụ sở tại Mumbai, cho biết đàn ông Ấn Độ thường nghĩ “sẽ không nam tính lắm nếu vợ họ đóng góp vào thu nhập của gia đình”.
“Họ muốn tạo ra sự phụ thuộc này. Mọi người tin rằng nếu phụ nữ được giáo dục, họ có thể làm việc và độc lập về tài chính, và sau đó họ có thể không tuân theo và tôn trọng gia đình”, Hansraj nói thêm.
Nguồn https://congluan.vn/kinh-te-an-do-suy-thoai-khi-90-phu-nu-bien-mat-khoi-luc-luong-lao-dong-post197693.html
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân