Kinh tế Việt Nam 2021: Phép thử bản lĩnh và “gió đã đảo chiều”

Thứ ba, ngày 4 tháng 1 năm 2022 | 15:42

Qua đánh giá chung có thể thấy rằng, kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn “bộn bề”.

Năm 2021 làm một năm đầy khó khăn, thách thức trên rất nhiều phương diện, kể cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự tác động khắc nghiệt của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Sau 2 năm “chống chọi” với dịch thì nguồn lực nền kinh tế trong nước cũng như “sức” của doanh nghiệp đã bị giảm sút rất mạnh, ảnh hướng đến tăng trưởng. Tuy vậy, kết quả đạt được của năm 2021 vẫn có nhiều điểm đáng ghi nhận.

Những “điểm sáng” nổi bật

Năm 2021, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương (tăng 2,58%), đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế. Trong bối cảnh năm 2020 chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng GDP dương (2,91%) mà năm 2021 còn khó khăn hơn nhưng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng vượt lên của năm 2020, thì điều đó chứng tỏ sự cố gắng và thành công rất lớn.

kinh te viet nam 2021 phep thu ban linh va gio da dao chieu hinh 1

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Khóa XV.

Xuất khẩu là một trong các “điểm sáng” rõ nét nhất. Mặc dù chúng ta bị đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, thế nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 vẫn tăng rất mạnh, đạt khoảng 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với 2020. Trong lúc thị trường quốc tế đang khó khăn, xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 336,25 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD. Như vậy tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4 tỷ USD. Xuất khẩu tăng ngoạn mục những tháng cuối năm; còn phần nhập khẩu thì chủ yếu cũng là nhập yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, máy móc, tư liệu sản xuất… Qua đó thể hiện, chúng ta đang tích cực thúc đẩy mạnh cho nguồn lực đầu vào của sản xuất, kinh doanh.

Điểm sáng thứ 2 là sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực này đã thể hiện ưu thế vượt trội khi tốc độ tăng trưởng cao. Nông nghiệp không chỉ được coi như một “bệ đỡ” cho nền kinh tế khó khăn mà nó đã vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường khó tính như Châu Âu. Có thể nói, năm 2021 là năm rất thành công của nông nghiệp Việt Nam. Trước đây, chúng ta hay nói về nông nghiệp “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” nhưng năm 2021 thì lại khác.

Năm 2021, trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy nhưng nông sản của chúng ta được mùa và vẫn được giá. Theo thống kê sơ bộ, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản có kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; trong đó, riêng nông sản chính đạt 21,49 tỷ USD. Những điều đó cho thấy rằng, hệ thống tổ chức, liên kết, từ khâu sản xuất cho đến khâu thị trường đã làm rất tốt. Chính nhờ vào tăng trưởng nông nghiệp cao thì cũng là cơ sở đển ổn định đời sống kinh tế, xã hội trong nước, đặc biệt là đời sống của người dân.

kinh te viet nam 2021 phep thu ban linh va gio da dao chieu hinh 2

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD (ảnh minh họa).

Ngoài ra, chúng ta còn nhìn thấy rất rõ các chỉ số kinh tế vĩ mô được duy trì khá ổn định. Trong bối cảnh chúng ta thực hiện các chính sách như giãn, hoãn, miễn thuế nhưng thu ngân sách vẫn đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Qua đó góp phần tạo nguồn lực để thực hiện các nguồn chi cho phòng chống dịch và đảm bảo cân đối thu – chi, giữ được cân bằng kinh tế vĩ mô.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 cũng duy trì được ở mức tăng rất thấp (tăng 1,84% so với năm 2020), giúp cho đời sống người dân không bị ảnh hưởng nhiều, bởi vì hàng hóa tiêu dùng không tăng giá; đồng thời, cũng làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì hiệu quả vì không bị lạm phát.

Chính vì chúng ta duy trì được tốt kinh tế vĩ mô và môi trường sản xuất kinh doanh ổn định nên đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021 tăng rất nhanh. Có nhiều tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Môi trường đầu tư của Việt Nam đang được các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá rất cao và trở thành một điểm đáng tin cậy.

Qua đánh giá chung có thể thấy rằng, kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn “bộn bề”. Điều đó cũng thể hiện, chúng ta đã có các ứng phó kịp thời, linh hoạt để vượt qua khó khăn, thử thách, “gió đã đảo chiều” - từ chỗ phải “chống đỡ” tác động của đại dịch Covid-19, đã chuyển sang giai đoạn chủ động ứng phó và phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

kinh te viet nam 2021 phep thu ban linh va gio da dao chieu hinh 3

ĐBQH - GS.TS Hoàng Văn Cường.

Kỳ vọng năm 2022

Năm 2022 sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra. Trước hết, về đại dịch, hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp cả trong nước và trên thế giới, nên chúng ta chưa lường trước được nó sẽ tác động như thế nào.

Chúng ta đặt mục tiêu năm 2022 tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% - đây là một mục tiêu rất cao, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, cố gắng để đạt được mục tiêu đó, góp phần thực hiện mục tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025. Nếu chủ động phát huy tốt những thành quả và những bài học kinh nghiệm trong 2 năm chống dịch, Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng đó.

Muốn vậy, phải làm tốt các tiền đề sau: Trước hết, phải chủ động kiểm soát, ứng phó với dịch bệnh và sống chung an toàn. Thời gian qua, chúng ta đã rất thành công trong việc tạo nguồn lực vaccine. Việt Nam cũng đang thúc đẩy mạnh việc tự sản xuất vaccine, cũng như chuyển giao công nghệ để sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, cho nên chúng ta kỳ vọng vào năm 2022, với sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ chủ động được các nguồn lực, công cụ để sống chung an toàn với dịch bệnh.

Khi đã phòng dịch tốt, chủ động, an toàn thì sẽ có cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế, phục hồi trở lại và vươn lên để chớp những cơ hộp của thị trường thế giới mở cửa, đặc biệt là xuất khẩu. Tiêu dùng trên thế giới đang phục hồi trở lại, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển, kể cả cầu tiêu dùng nội địa về sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ tăng. Đó rõ ràng là những lợi thế cần phải phát huy…

Với những tiền đề trên, chúng ta có thể kỳ vọng, năm 2022, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy được các lợi thế, thế mạnh để phục hồi kinh tế, tạo lập các nguồn lực mới trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh chuyển đổi số.

GS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH Khóa XV

Nguồn Congluan.vn

https://congluan.vn/kinh-te-viet-nam-2021-phep-thu-ban-linh-va-gio-da-dao-chieu-post175642.html