Kinh tế phục hồi, trở lại đà tăng trưởng cao

Thứ tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 | 9:38

Nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi bền bỉ với tốc độ phục hồi tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi nhưng cũng biến động khó lường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trải qua một năm đầy biến động với thách thức nhiều hơn cơ hội, Việt Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng cơ bản. Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều có sự khởi sắc, giúp bức tranh tổng thể sáng dần về cuối năm. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển biến tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch.

Bứt phá từ các động lực tăng trưởng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành sản xuất công nghiệp đã phục hồi tích cực; trong đó, ngành chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế. Cụ thể, trong tháng 11/2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,3% so tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ; đáng chú ý, chỉ số IIP ngành chế biến chế tạo tăng trưởng hai con số là 11,2%.

Tính chung 11 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ; IIP ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, là mức tăng trưởng ấn tượng so mức tăng lần lượt 0,9% và tăng 1,0% của cùng kỳ năm 2023. Tình hình sản xuất công nghiệp của các địa phương trên cả nước cũng khởi sắc mạnh mẽ khi 60/63 địa phương có chỉ số sản xuất tăng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi đã tác động tích cực đến tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Tính đến tháng 11/2024, bình quân 1 tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại trong những tháng cuối năm, cho thấy doanh nghiệp, nhà đầu tư được củng cố niềm tin vào triển vọng kinh tế cũng như công tác điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ.

Động lực xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 11/2024, xuất khẩu hàng nông sản đã vượt mục tiêu đặt ra và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng GDP. Điểm tích cực là tín hiệu thị trường xuất khẩu hiện nay tương đối tốt, các đơn hàng đã quay trở lại. Tính đến tháng 11/2024, thu ngân sách nhà nước đã vượt dự toán, trong đó thu nội địa tăng 16,8% so cùng kỳ. Theo Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả thu ngân sách nhà nước tăng cao phản ánh sự phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024 cũng là một năm thành công của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài đều đánh giá thị trường đầu tư trên thế giới ảm đạm nhưng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất tích cực. Điều này thể hiện qua kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 đạt mức cao trong nhiều năm trở lại đây; vốn thực hiện tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ; nhiều dự án tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Đó là minh chứng cho thấy hoạt động của khu vực này rất hiệu quả và Việt Nam là điểm đến quan trọng của dòng vốn FDI.

Bên cạnh thành tích về tăng trưởng, năm 2024, lạm phát tiếp tục được kiểm soát theo mục tiêu. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, một trong những yếu tố giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra là lạm phát thế giới đã hạ nhiệt, giảm sức ép đến giá cả hàng hóa trong nước.

Bên cạnh đó, để kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp: Bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân; chú trọng quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân, nhất là tại thời điểm bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây thiệt hại ở các tỉnh phía bắc. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện, có tác dụng cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024.

 

Thúc đẩy kinh tế tư nhân

Dự báo triển vọng năm 2025, tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) lạc quan cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục khởi sắc. Điểm tích cực là thị trường xuất khẩu vẫn giữ xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã ký. Về động lực tiêu dùng nội địa, sức mua của người Việt Nam dự báo tiếp tục tăng, tuy nhiên mức tăng không nhiều vì thu nhập của người lao động chưa có đột phá.

Từ phân tích xu hướng năm 2025, CIEM khuyến nghị Chính phủ cần tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật mới ban hành; đồng thời, thúc đẩy cải cách các thủ tục kinh doanh theo tín hiệu thị trường, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng kết nối vùng, liên vùng, thúc đẩy tăng trưởng, cần tập trung phát triển hạ tầng "mềm" với chỉ tiêu đạt khoảng 40% hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, doanh nghiệp số.

Tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Quốc hội nêu rõ cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới gồm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…

Nhấn mạnh đến động lực tăng trưởng kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 158/2024/QH15 nêu nhiệm vụ tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thật sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp lớn dân tộc; phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%. Đặt trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, gia tăng đầu tư tư nhân là dư địa lớn để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Để gia tăng đầu tư, cần có môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp vững tâm thể hiện tầm nhìn, khát khao, hoài bão; có khung khổ pháp luật và văn hóa khuyến khích doanh nghiệp dám dấn thân, mạo hiểm, mở rộng kinh doanh, dám nghĩ lớn, làm lớn, đầu tư lớn. "Doanh nghiệp cũng rất cần một môi trường thể chế tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, từ đó tạo môi trường kinh doanh an toàn, chi phí tuân thủ thấp, có tính tiên liệu cao, giúp doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng kinh doanh của mình một cách thuận lợi, an toàn", TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, phản ánh niềm tin, sự đồng lòng của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đó chính là nền tảng quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá trong năm 2025 - năm cuối của nhiệm kỳ kế hoạch 2021-2025.