Kỳ họp bất thường rất cần thiết, thể hiện rõ tinh thần chủ động, đổi mới
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất để giải quyết những vấn đề cấp bách do thực tiễn đặt ra là rất cần thiết và ý nghĩa, thể hiện rõ tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới…
Sáng nay 4/1/2022, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, quyết định 4 nội dung cấp bách, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội).
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho biết: “Những vấn đề được đưa ra xem xét, thảo luận và quyết định tại Kỳ họp bất thường lần này đều là những vấn đề cấp thiết, quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra rất cấp bách, chưa từng có tiền lệ, vì thế chúng ta cần chung sức, đồng lòng để giải quyết các vấn đề một cách chủ động, linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện thực tế”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phân tích: “Bên cạnh 2 kỳ họp thường kỳ hàng năm thì Quốc hội sẽ có thể có thêm những kỳ họp bất thường để quyết đáp những vấn đề cấp bách. Như chúng ta thấy, tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới… đã nhiều lần được nhắc đến tại các Kỳ họp, Phiên họp vừa qua của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển, phồn thịnh của đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, không bị ách tắc, Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để xem xét, thông qua các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước.
Trải qua 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng rất nặng nề… Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang cần quyết sách liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, do đó, gói tài chính, tiền tệ sẽ hết sức quan trọng, làm bệ đỡ để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, để đồng bộ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật nhằm giúp cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “đặc biệt” như hiện nay thì cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật liên quan… Do đó, tôi cho rằng, việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất là rất cần thiết, thể hiện sự đổi mới, linh hoạt, đưa ra những quyết sách kịp thời, sát với thực tiễn cuộc sống”.
Đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội).
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Quốc gia nào cũng cần ban hành các gói hỗ trợ rất lớn để phục hồi kinh tế. Việt Nam cũng vậy, sau khi trải qua 2 năm “chống chọi” với dịch bệnh Covid-19 thì các nguồn lực nền kinh tế trong nước cũng như “sức” của doanh nghiệp đã bị giảm sút rất mạnh, rất cần tăng cường thêm các nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: “Chính phủ cũng đã chuẩn bị trình ra một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch. Trong đó, trọng tâm là gói chính sách tài chính, tiền tệ để tăng cường thêm các nguồn lực cho doanh nghiệp và các khu vực của nền kinh tế”.
Vị Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phân tích: “Đây là gói phát sinh do thực tiễn đặt ra rất cấp bách, chứ không phải là chính sách thông thường. Do đó, cần thiết phải được họp và xem xét, giải quyết ngay, để chính sách hỗ trợ được kịp thời đến với những doanh nghiệp và các khu vực của nền kinh tế. Tôi kỳ vọng rằng, với chính sách hỗ trợ như thế này thì các doanh nghiệp bị tổn thất do đại dịch sẽ bớt khó khăn, nhanh chóng phục hồi lại hoạt động kinh tế; đồng thời cũng sẽ tạo ra được nguồn lực để chúng ta chớp được các cơ hội mới trong bối cảnh tái cấu trúc lại nền kinh tế, cũng như chớp lấy cơ hội trong vấn đề phân bố lại chuỗi cung ứng trên thế giới sau đại dịch, tránh lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”.
“Việc tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra, cũng như đảm bảo thể chế hóa chủ trương Nghị quyết của Đảng kịp thời đi vào cuộc sống – tôi cho rằng rất cần thiết và ý nghĩa”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/ky-hop-bat-thuong-rat-can-thiet-the-hien-ro-tinh-than-chu-dong-doi-moi-post175684.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam