Kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ghép tạng ở Việt Nam
Trong 9 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến mô tạng là 25 trường hợp. 87 tạng đã được lấy để ghép cho rất nhiều bệnh nhân đang từng ngày mong chờ sự sống.
Tại Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ hai diễn ra ngày 11/10, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết 9 tháng đầu năm 2024, ngành ghép tạng Việt Nam ghi nhận kỷ lục chưa từng có trong 32 năm lịch sử.
Số liệu từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, 9 tháng đầu năm, Việt Nam có 25 ca chết não hiến mô tạng. Điều này góp phần tăng tỷ lệ và số ca được ghép tạng từ nguồn người hiến chết não. Cụ thể, có 87/829 ca (gần 10,5%) ca được ghép tạng từ người cho chết não.
Theo PGS Hệ, dù là điểm sáng ghép tạng ở châu Á nhưng ca ghép tạng từ người cho chết não tại Việt Nam rất khiêm tốn. Với con số 10,5% này, ông gọi đây là kỷ lục bởi trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng 5-6%. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng. Năm 2023, cả nước chỉ có 16 ca chết não hiến mô tạng trong tổng số hơn 1.000 ca được ghép.
Trong 25 trường hợp chết não hiến tạng trong 9 tháng đầu năm 2024, có 2 ca ở từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), 23 ca còn lại ở 10 tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương... Còn 52 tỉnh, thành chưa có tên trong danh sách có người chết não hiến tạng suốt 3 quý đầu năm 2024.
Các thầy thuốc dành phút mặc niệm tri ân người chết não hiến tạng tại Nghệ An. Ảnh: BVCC
Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên thành công vào năm 1992, đó là ca ghép thận từ người cho sống. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép tạng, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 ca ghép gan.
Ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên là vào tháng 5/2010. Tính đến tháng 10/2022, chúng ta chỉ có hơn 130 ca ghép tạng từ người cho chết não.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết tỷ lệ người chết não hiến tạng của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên.
Theo bà Tiến, một trong những khó khăn trong vận động hiến tạng xuất phát từ quan niệm chết phải toàn thây của nhiều người Việt. Nhiều người vẫn chưa nhận thức được hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng. Bên cạnh đó, nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế cho ghép tạng tại Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 40% tổng chi phí.
Việt Nam hiện có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 cơ sở ghép thận, 8 cơ sở ghép gan, 5 cơ sở ghép tim, 4 cơ sở ghép phổi... Thầy thuốc Việt Nam cũng làm chủ nhiều kỹ thuật khó như ghép tuỵ, ghép đa tạng... Dù số ca chết não hiến tạng tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng. Ước tính, mỗi ngày có 36 người Việt qua đời vì không có tạng để ghép.
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc