Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp so với trung bình 5 năm. Ảnh: SSI Research. |
Khối ngoại là điểm nhấn trong tháng 11
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 11 với giao dịch không mấy tích cực. Tâm lý thị trường thận trọng trước biến động tỷ giá và áp lực rút ròng của khối ngoại khiến lực bán tăng cao. Tuy nhiên, lực cầu cũng được đẩy mạnh ở vùng giá thấp, khi VN-Index về quanh vùng 1.200 điểm, bên cạnh tác động từ các chính sách và các luật mới được thông qua trong Kỳ họp Quốc hội. Kết quả là chỉ số có nhịp chững lại nhưng cũng hồi phục nhanh, chốt tháng ở ngưỡng 1.250 điểm.
Chứng khoán hướng tới năm bản lề cho kỷ nguyên mới Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI, năm 2025 đánh dấu là một năm quan trọng khi là năm kết thúc của Kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và là năm bản lề cho kỷ nguyên sắp tới, với các kế hoạch cải cách toàn diện nhằm tập trung vào chất lượng tăng trưởng để Việt Nam có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Từ chính sách tiền tệ đến tài khóa đều hướng đến duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với các giải pháp tập trung hơn vào chất lượng, từ các lĩnh vực liên quan đến FDI, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng trong nước. |
Tâm điểm của thị trường trong tháng trước là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại có tháng bán ròng gần như xuyên suốt và chỉ có dấu hiệu quay lại mua ròng trong tuần cuối tháng khi tỷ giá trong nước hạ nhiệt.
Giá trị bán ròng của khối ngoại tăng lên gần 12.000 tỷ đồng trong tháng 11, gồm 9.500 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh và 2.500 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận. Theo đó, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng tăng lên ngưỡng 13,92% vào cuối tháng 11, cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột, như bất động sản dân cư, ngân hàng, dịch vụ tài chính hay thực phẩm đồ uống đều chịu lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, VHM bị bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng, SSI và MSN cùng ghi nhận áp lực bán ra của khối ngoại trên 1.000 tỷ đồng.
Bước sang đầu tháng 12, thị trường có phần cân bằng trở lại, với sự cải thiện của nhiều cổ phiếu trong rổ vốn hóa lớn VN30, trong đó nhóm tài chính (ngân hàng và chứng khoán), cảng biển & logictics, dệt may, thủy sản và bất động sản vẫn đang duy trì động lực tăng giá tốt.
Chờ đợi gì cho tháng cuối năm
“Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ tích cực trong tháng cuối cùng của năm 2024” - ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nhận định.
Theo chuyên gia này, câu chuyện của thị trường trong tháng 12 nằm ở diễn biến của khối ngoại và một số nhóm ngành cổ phiếu dẫn dắt, như nhóm bất động sản.
Ở câu chuyện của khối ngoại, thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thực hiện giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách giữa tháng này. Nếu điều này xảy ra, sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ phần nào chững đà tăng, hỗ trợ câu chuyện về dòng vốn tại các thị trường mới nổi. Ngoài ra, một lý do khác để kỳ vọng giao dịch của khối ngoại sẽ tích cực hơn trong tháng cuối năm là động thái giao dịch khối lượng lớn trong tháng 11.
“Việc khối ngoại đã ồ ạt bán ra trong tuần cuối tháng 11, cùng động thái bán ròng xuyên suốt từ đầu năm khiến dư địa bán đã thu hẹp đáng kể” - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta nhận xét. Dù tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam còn khoảng trên 20%, phần lớn nằm ở nhóm các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư dài hạn. Nhóm này không có động lực rút vốn hoặc giao dịch trading hàng ngày.
Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), tính chung 11 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 88.000 tỷ đồng trên HOSE, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt xấp xỉ 21% vào ngày 29/11/2024, sụt giảm so với mức 22,2% vào cuối năm 2023 dù vẫn cao hơn mức 19,5% vào năm 2012 và gần nhất là 20,3% vào 2021 khi quy mô thị trường đã có sự cải thiện vượt trội.
Câu chuyện thứ hai là dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu. “Tôi kỳ vọng VN-Index có thể trở lại ngưỡng 1.300 điểm trong tháng này, nhưng việc điều chỉnh hay vượt qua sẽ còn chờ nhiều yếu tố, đặc biệt là sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào một số nhóm cổ phiếu trụ, như bất động sản” - ông Minh nói.
VN-Index từ đầu năm 2024 đã nhiều lần thất bại ở ngưỡng 1.300 điểm. Trong đó, áp lực chốt lời tăng mạnh ở một số nhóm trụ như bất động sản là một phần nguyên nhân. Chuyên gia này kỳ vọng thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh nhưng diễn biến sau đó có thể sẽ tích cực hơn.
Trong báo cáo chiến lược tháng 12, SSI Reseach kỳ vọng thị trường tiếp tục trạng thái tích lũy, với ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm và ngưỡng cản cần thử thách 1.295 điểm.
Theo nhóm phân tích, nhiều yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ thị trường chứng khoán. Tăng trưởng GDP quý IV được kỳ vọng duy trì tích cực. Một số ngành như đầu tư công dự kiến tăng tốc không chỉ vào quý IV mà tiếp tục trong năm 2025. Xuất nhập khẩu cũng kỳ vọng duy trì khả quan trước khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ được đưa ra.
Kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2025 với các cải cách và giải pháp tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá đang được chờ đợi. Ngoài ra, mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng là câu chuyện cần quan tâm.
“Sau một tháng điều chỉnh, lợi thế sẽ thuộc về các nhóm ngành đang ở vùng định giá thấp và có các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn như: Ngân hàng, chứng khoán, xuất khẩu (dệt may, thủy sản), bất động sản...” - Báo cáo chiến lược của SSI Research viết, đồng thời thêm rằng nhà đầu tư nên tận dụng biến động giảm để tích lũy cổ phiếu đầu ngành nhằm đa dạng hóa danh mục và chủ động bảo vệ lợi nhuận khi đạt kỳ vọng.
Rủi ro của thị trường, theo SSI Reseach, có thể từ biến động tỷ giá và rủi ro khó đoán định từ các thông điệp chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump./.