Lá đơn của bác sĩ
Tại Bình Dương hơn ba tháng trước, tôi gặp một bác sĩ viết đơn xin nghỉ việc.
Em bảo, cả hai vợ chồng em đều là nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Trong năm 2021, nhiều tháng liền em phải ở trong các khu điều trị người bệnh Covid, gần như không về nhà. Con của họ ở nhà với ông bà. Ông bà cũng đã lớn tuổi, không thể trông các cháu dài ngày, phải nhờ sự hỗ trợ của người quen, nhưng họ cũng e ngại tiếp xúc với gia đình có bác sĩ điều trị Covid.
Những ngày tháng 7, tháng 8 năm ngoái tại phía Nam, bác sĩ ấy cũng như hàng nghìn nhân viên y tế, không có một ngày nghỉ. Họ phải đi tiêm chủng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, quản lý F1, điều trị, chăm sóc toàn diện F0, bất kể giờ giấc nào. Họ ngủ không đủ giấc, có khi không kịp ăn.
Không thể kể hết những hy sinh thầm lặng của lực lượng y tế tuyến đầu. Nhiều lần đi thực tế tại các cơ sở chống dịch, tôi thấy cuộc sống như ngoài mặt trận thời chiến. Nhân viên y tế phải nhận nhiệm vụ khẩn cấp liên tục, bất kể giờ giấc, thời tiết nào.
Nhiều người cũng chia sẻ thật lòng, họ mệt mỏi tinh thần và cạn kiệt sức lực trong khi thu nhập giảm sâu do toàn bộ nguồn lực và hoạt động chuyên môn của bệnh viện phải tập trung chống dịch.
Dù cũng có nhiều bác sĩ trẻ nói với tôi, họ ý thức được khó khăn chung của cả nước và vẫn có thể bám trụ công việc, nhưng khi nhận thông tin về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc gia tăng tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tôi cũng không bất ngờ.
Những chuyến thị sát tới các vùng tâm dịch, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid trong năm vừa rồi cả đời tôi chẳng thể nào quên. Tôi chứng kiến biết bao nhân viên ngành Y chịu đựng muôn vàn áp lực từ mọi phía. Có những bác sĩ vừa mất vì Covid, đồng nghiệp chỉ dành được ít phút khóc, mặc niệm rồi lại phải tiếp tục lao vào cứu bệnh nhân.
Năm 2021, lần đầu tiên lãnh đạo ngành Y chúng tôi đã cùng các cơ sở thiết lập hàng loạt trung tâm hồi sức quy mô hàng nghìn giường cho bệnh nhân Covid trong thời gian ngắn nhất. Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, tôi và cộng sự đã huy động hàng chục ngàn y bác sĩ chi viện cho vùng tâm dịch trong tình thế cấp bách, chuẩn bị cấp tập cho chương trình tiêm chủng toàn dân trong thời gian chỉ tính bằng ngày. Nhiều ngày, chúng tôi vừa ăn vừa bàn công việc, kết thúc ngày làm việc thường vào 9-10 giờ đêm.
Nhưng, tập trung vào các hoạt động chống dịch chưa đủ, việc hoàn thiện chính sách, chế độ đãi ngộ cho lực lượng y tế đã còn khiếm khuyết và chậm trễ. Tôi cũng nhận thấy mình có lỗi trong đó. Đây là một phần lý do những lá đơn xin nghỉ việc đã được nhân viên y tế gửi đi khi đại dịch chưa kết thúc. Tôi đã gặp nhiều người trong số họ, nghe họ kể về những cam go và đau thương, những trải nghiệm nhiều tự hào và nước mắt.
Bộ Y tế mới đây đã gửi công điện đến các địa phương đề nghị hạn chế tối đa việc nhân viên y tế phải làm việc quá 8 tiếng mỗi ngày. Đồng thời, yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng, bổ sung chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và tinh thần xứng đáng với đóng góp của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế tham gia tầm soát, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.
Tôi được biết, nhiều địa phương đã nhanh chóng thực thi chủ trương này. Tôi mong nhiều lá đơn xin nghỉ việc được rút lại. Và chúng ta cũng đang cần một sự cải cách cơ chế, chế độ đãi ngộ tổng thể cho toàn ngành Y.
Nỗ lực của riêng Bộ Y tế là chưa đủ, chúng tôi mong rằng 2022 là năm nhà nước sẽ thay đổi được câu chuyện chế độ với ngành Y bằng một số giải pháp. Thứ nhất, Quốc hội đã ra Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành các cơ chế đặc thù trong phòng chống dịch Covid- 19, Nghị quyết cần sớm được cụ thể hóa để tạo không gian rộng hơn cho các chính sách chăm sóc nhân viên y tế. Thứ hai là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống dịch nói chung và quan tâm hơn tới lực lượng tuyến đầu nói riêng. Cùng với đó là sự đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Tôi đã chọn ngành này vì tin nghề Y mang lại an ủi, xoa dịu nhiều khổ đau, tự hào nhưng cũng trọng trách nặng nề. Đại dịch lắng xuống cũng là khi chúng ta cần tìm về giá trị cốt lõi của nghề thầy thuốc. Bất cứ nền y học nào nếu muốn được tôn trọng đều phải phụng sự, tận hiến vì sức khoẻ người dân, trong đó không quên chính các y bác sĩ.
Nguồn VnExpress.net
https://vnexpress.net/la-don-cua-bac-si-4418010.html
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Thi đua, khen thưởng cần thực chất
- Không thể xuyên tạc thành tựu sau 70 năm Giải phóng Thủ đô