Lãi suất tín phiếu giảm lần thứ 2 trong tháng, tỷ giá hạ nhiệt, song giá vàng lại “nhảy múa” vì "khan cung"

Chủ nhật, ngày 25 tháng 8 năm 2024 | 9:25

- Động thái đáng chú ý trên thị trường tiền tệ tuần qua (19 - 23/8) là việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất tín phiếu lần thứ 2 trong tháng, trong khi đó lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục tăng. Tuần qua, tỷ giá "dịu hẳn", nhưng giá vàng cũng tiếp tục tăng vì nguồn cung nhỏ giọt. Giá vàng miếng SJC 9999 giữ vững mốc 81 triệu đồng/lượng.

Giảm lãi suất tín phiếu lần thứ 2 trong tháng 8

Tuần qua, trong phiên giao dịch 20/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Theo đó, có gần 5.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,20%/năm, giảm nhẹ so với mức 4,25%/năm phiên trước đó. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu tháng 8/2024 NHNN giảm lãi suất tín phiếu. Trong phiên này, có 9.250 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng gần 1.965 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là hơn 46.585 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức hơn 55.349 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu tháng 8, NHNN cũng giảm 0,25% với lãi cho vay cầm cố giấy tờ có giá và lãi suất tín phiếu.

Lãi suất tín phiếu giảm lần thứ 2 trong tháng, tỷ giá hạ nhiệt, song giá vàng lại “nhảy múa” vì

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cao tới 7,4%/năm. Ảnh: T.L

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm

Trên thị trường liên ngân hàng lãi suất cũng tiếp tục hạ nhiệt. Ngày 20/08, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 – 0,09 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 4,50%/năm; 1 tuần là 4,60%/năm; 2 tháng là 4,70%/năm và 1 tháng là 4,76%/năm. Theo các chuyên gia phân tích, tỷ giá hạ nhiệt đã làm giảm bớt áp lực cho lãi suất.

Mặc dù lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá hạ nhiệt song lãi suất huy động trên thị trường vẫn tăng. NHNN vừa công bố thông tin về diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 7/2024. Cụ thể, tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.

Mức 2,4% - 3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4% - 4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5% - 6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9% - 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Còn lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng vẫn ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Lãi vay giữ ổn định để kích cầu tín dụng

Về lãi suất cho vay, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở trong khoảng 6,9% - 9,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1%-5,0%/năm đối với ngắn hạn; 6,3% - 7,4%/năm đối với trung và dài hạn.

Tại thông báo mới nhất của NHNN về lãi suất liên ngân hàng ngày 20/8/2024, lãi suất qua đêm ở mức 4,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 1 tuần - 2 tuần - 1 tháng lần lượt là 4,57% - 4,52% - 4,79%/năm.

Trước đó NHNN cũng cho hay, trong nửa đầu năm nay, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Số liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng tháng cuối tháng 7/2024 chỉ tăng 5,66% so với cuối năm 2023, trong khi đến cuối tháng 6/2024 tăng 6%. Một trong những mục tiêu trọng tâm của NHNN trong tháng cuối năm là tập trung vốn hướng vào các lĩnh vực là động lực phát triển bao gồm xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng. Đặc biệt, với Thông tư 12/2024/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Đồng thời, cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia của khối ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Giá vàng tiếp tục "nhảy múa"

Giá vàng thế giới đã tăng vượt đỉnh lịch sử vào cuối tuần qua và được dự báo sẽ còn xu hướng tăng trong thời gian tới. Thị trường vàng thế giới liên tục nổi sóng trong 2 tháng trở lại đây khiến thị trường vàng trong nước sau thời gian ngắn bình lặng lại bắt đầu “nhảy múa”.

Lãi suất tín phiếu giảm lần thứ 2 trong tháng, tỷ giá hạ nhiệt, song giá vàng lại “nhảy múa” vì
Giá vàng vàng miếng SJC 9999 giữ vững mốc 81 triệu đồng/lượng. Ảnh: T.L

Tuần trước, thị trường vàng tăng giá khá mạnh khi Ngân hàng Nhà nước công bố giá bán trực tiếp cho 4 ngân hàng và Công ty SJC với giá 79 triệu đồng/lượng (13/8). Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại và Công ty SJC bán vàng miếng SJC ra thị trường ở mức giá phổ biến là 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC đã tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với lần điều chỉnh giá kế trước.

Không dừng ở đó, tuần qua ngày 20/8 NHNN tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán trực tiếp cho 4 ngân hàng và Công ty SJC với giá 80 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với lần điều chỉnh gần nhất vào tuần trước. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại và Công ty SJC bán vàng miếng SJC ra thị trường ở mức giá phổ biến là 81 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá vàng trong nước tăng được cho là do ảnh hưởng từ xu hướng của giá vàng quốc tế. Theo dự báo trên thế giới đang chia làm 2 xu hướng. Một hướng cho rằng, giá vàng thế giới có thể sẽ điều chỉnh giảm trở lại khi “test” ngưỡng 2.500 USD/ounce. Một số nhận định khác thì dự báo, mặc dù đã vượt đỉnh, nhưng giá vàng thế giới có thể còn tăng và tiến lên ngưỡng 2.600 USD/ounce.

Tỷ giá hạ nhiệt

Những ngày qua, tỷ giá VND/USD đã hạ nhiệt đáng kể, một phần do đồng Đô la Mỹ giảm giá mạnh trên thị trường quốc tế. Tỷ giá trung tâm hôm đầu tuần ngày 19/8 ghi nhận ở mức 24.254 đồng/USD, không đổi so với cuối tuần trước. Tuần qua, NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng vào hôm thứ Ba sau đó giảm mạnh vào hôm thứ Năm và thứ Sáu cuối tuần. Chốt hôm cuối tuần, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ghi nhận ở mức 24.245 đồng/USD, giảm 9 đồng/USD so với hôm đầu tuần.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra tại Vietcombank hôm thứ Hai đầu tuần là 25.230 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với cuối tuần trước. Sau đó, Vietcombank tiếp tục giảm tỷ giá bán ra trong hôm thứ Ba và Thứ Tư, nhưng sau đó liên tục trong hôm thứ Năm và và thứ Sáu điều chỉnh tăng. Tại thời điểm cuối tuần, tỷ giá bán ra tại Vietcombank là 25.120 đồng/USD, giảm 110 đồng/USD so với hôm đầu tuần. Tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể trong hơn một tháng qua. Hiện, giá mua USD tại các ngân hàng nằm trong khoảng 24.680 - 24.785 đồng/USD và giá bán ra dao động trong phạm vi 25.120 - 25.130 đồng/USD./.

Chỉ số DXY giảm mạnh

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ có xu giảm mạnh trong tuần qua. Tại thời điểm chiều ngày 23/8 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY ghi nhận ở mức khoảng 101.39 điểm, giảm mạnh so với mức điểm của chỉ số này trước đó 1 tuần.