Làm AI tốn rất nhiều tiền
Tại Việt Nam, các giải pháp toàn diện về AI được triển khai chủ yếu ở các tập đoàn lớn, ngân hàng và các công ty tài chính, bởi đây là một lĩnh vực tốn rất nhiều tiền.
Kể từ khi ChatGPT xuất hiện, AI tạo sinh được nói đến nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là việc ứng dụng trong các doanh nghiệp hay sự xuất hiện của các startup chuyên về AI…
PhởGPT, mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt do VinAI phát triển. Ảnh: Lê Mỹ
Việt Nam đã từng bước bắt kịp thế giới ở lĩnh vực này trong giai đoạn đầu, điển hình là sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt do VinBigdata phát triển với tên gọi ViGPT; hay mô hình ngôn ngữ lớn PhởGPT do VinAI phát triển dùng mã nguồn mở, tất cả các bên đều có thể sử dụng, kể cả phục vụ cho mục đích thương mại.
Tuy nhiên, hiện nay, các dự án về AI ở Việt Nam đa số vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Để doanh nghiệp triển khai một giải pháp toàn diện về AI là điều không đơn giản, do đây là lĩnh vực tốn rất nhiều tiền để đầu tư.
Đơn cử như khi ra mắt ViGPT, Giám đốc sản phẩm VinBigdata Nguyễn Kim Anh cho biết cũng chỉ mở thử nghiệm giới hạn cho một số người dùng nhất định, bởi nếu mở rộng cho số đông sẽ tốn rất nhiều chi phí, như OpenAI một ngày duy trì ChatGPT có chi phí lên tới 700.000 USD. Đây là điều công ty này không thể chi trả.
Trả lời PV VietNamNet, ông Nguyễn Thành Lâm, sáng lập kiêm CEO của NamiTech cho biết, có thể nhận thấy tại Việt Nam, AI tạo sinh hiện đang chủ yếu triển khai tại các tập đoàn lớn, các ngân hàng và công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Đây là điều dễ hiểu, bởi để đầu tư một giải pháp công nghệ toàn diện về AI rất tốn kém, riêng máy chủ dành cho AI đã tốn hàng trăm nghìn USD, chưa kể tiền dữ liệu, hạ tầng, nhân lực kỹ thuật cao…
Mặc dù tốn rất nhiều tiền, nhưng theo ông Nguyễn Thành Lâm, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể triển khai được AI cho mình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng các giải pháp đơn giản, như ứng dụng các đơn vị cung cấp mã nguồn mở hay ChatGPT để tạo ra các nội dung về marketing, quảng cáo... Với các giải pháp này, chi phí sẽ không nhiều, chỉ trả bản quyền cho nhà cung cấp và đặt biệt cả công ty ai cũng dùng được.
Ông Trần Viết Huân, CTO của Sơn Kim Group, Chủ tịch CIO Vietnam cho rằng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Với các doanh nghiệp lớn muốn xây dựng mô hình AI đặc thù riêng cho mình để tạo lợi thế cạnh tranh sẽ phải đầu tư lớn về hạ tầng AI cũng như nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Ngược lại, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận theo từng trường hợp ứng dụng cụ thể với các ứng dụng AI có sẵn theo mô hình dựa trên dịch vụ đám mây (SaaS) với chi phí phù hợp theo quy mô và ngân sách của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Viết Huân, điều quan trọng nhất là cả lãnh đạo và nhân viên nghiệp vụ cần có một tư duy mở về AI để luôn tìm cách tăng trưởng doanh thu, giảm chi phí thông qua việc ứng dụng AI vào các quy trình kinh doanh và vận hành của mình. Hiện nay, các cửa hàng thời trang Vera và Jockey đang sử dụng giải pháp AI theo mô hình SaaS để phân tích các hoạt động hằng ngày của cửa hàng, nhằm gia tăng doanh số thông qua việc cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, hiện nay các công nghệ mới như AI và Blockchain, Việt Nam đều bắt kịp xu thế và đi ngang bằng với thế giới trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển được hay không, phải chờ thời gian trả lời. Đặc biệt ở lĩnh vực AI, đầu tư tốn rất nhiều tiền, nhưng nếu hiệu quả mang lại không lớn, doanh nghiệp rất dễ bị khủng hoảng liên quan đến câu chuyện về tài chính
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết
- Doanh nghiệp Việt học hỏi được gì từ hành trình hồi sinh của gã khổng lồ Kodak?