Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, rau quả, thủy sản cùng khởi sắc
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 403 tỷ USD, trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung từ đầu năm đến 15/7, nước ta vẫn xuất siêu 11,88 tỷ USD.
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023 |
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đưa ra con số ước tính đến hết tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả thu về 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các quốc gia lớn đẩy mạnh thu mua rau quả Việt giúp ngành hàng này tăng tốc về đích. Trong 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam, hầu hết đều tăng trưởng từ 15% đến 96%. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD và Mỹ là hơn 157 triệu USD, lần lượt tăng 55% và 33%.
Về phía doanh nghiệp, báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 tại Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM) cho biết, nửa đầu năm 2024, doanh thu tại Dệt may TCM đạt gần 74,4 triệu USD (xấp xỉ 1.900 tỷ đồng), tăng 12% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2023, thực hiện 47% kế hoạch năm là 3.707 tỷ đồng. Lãi sau thuế ghi nhận hơn 5,8 triệu USD (xếp xỉ 148 tỷ đồng), tăng 29% so với cùng kỳ và thực hiện được 85% kế hoạch năm (161,2 tỷ đồng). Công ty này cho biết, đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý III/2024 và 86% kế hoạch quý 4/2024. Công ty kỳ vọng tình hình đơn hàng năm nay khả quan hơn năm trước và đạt kế hoạch doanh thu đã đề ra.
Ở lĩnh vực thủy sản, Công ty CP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 6 với tổng doanh thu là 1.030 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào doanh thu tháng 6 của Vĩnh Hoàn là mảng cá tra với 491 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Xét về thị trường tiêu thụ trong tháng 6, tất cả các thị trường của Vĩnh Hoàn đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ; riêng thị trường Trung Quốc tăng 18% lên 143 tỷ đồng, EU tăng 31% lên 163 tỷ đồng, Mỹ tăng 8% lên 266 tỷ đồng.
Vẫn lo ngại về rào cản thương mại và chi phí logistics tăng cao
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn khi nhiều quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp vệ phòng vệ thương mại, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam gây áp lực lên hàng xuất khẩu trong nước thời gian tới.
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã cảnh báo tới doanh nghiệp trong nước về việc Chính phủ Indonesia đã có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này, cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các nhóm hàng khác như: Hàng điện tử, giày dép, gạch ốp lát và mỹ phẩm.
Sẽ có ít nhất có 2 biện pháp được áp dụng là áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ. Các mức thuế tự vệ có thể từ mức 100 - 200% và các biện pháp phòng vệ sẽ sớm được ban hành. Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Indonesia. Việc Indonesia dự kiến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có khả năng ảnh hưởng lớn tới các sản phẩm giày dép của Việt Nam, đặc biệt khi nước này sử dụng biện pháp tự vệ thương mại toàn cầu.
Hay Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá tạm dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức thấp nhất (từ 6,1 - 38,9%) so với các doanh nghiệp Trung Quốc (50,9 - 71,1%) và Ai Cập (49,7 - 99,8%) bị CBSA điều tra lần này.
Bên cạnh đó, cước vận tải biển tăng cao làm khó doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và đây cũng là khu vực cước tàu biển tăng cao nhất. Theo đó, giá cước tàu biển từ Việt Nam đi EU hiện nay trên dưới 4.000 - 5.000 USD/container, tăng gấp 2 - 3 lần so với cuối năm ngoái. Trung bình một container xuất đi Mỹ cũng khoảng 6.000 - 7.000 USD/container, tăng gấp đôi so với trước. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng, dao động từ 1.000 - 2.000 USD/container. Không chỉ vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng lâu hơn từ 7 - 10 ngày, làm đảo lộn các kế hoạch sản xuất và giao nhận hàng với đối tác.
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, mặt hàng rau quả giá trị hơn 22.000 USD/container nhưng cước tàu biển đi Los Angeles (Mỹ) có thể lên 8.600 USD/container. Cước tàu biển tăng cũng khiến giá thành mặt hàng rau quả tăng theo, trong vòng 2 tháng tăng trên 100%, ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng đã ký kết.
Theo Nguyễn Đình Tùng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài, Việt Nam chưa có các hãng tàu riêng nên doanh nghiệp rất bị động. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mong muốn giá cước bình ổn về giá ban đầu để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các nước khác.
Xuất khẩu hàng hóa, không để cài số lùi
Liên quan đến cước vận tải biển, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) đề xuất một số nội dung liên quan đến vấn đề này. Nhấn mạnh vai trò của FIATA là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, Bộ trưởng mong muốn ông Turgut Erkeskin và FIATA có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng nêu trên.
Để thúc đẩy xuất nhập hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP….
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập. Phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ;…
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.