Lạm phát tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Thứ hai, ngày 27 tháng 6 năm 2022 | 12:46

Lạm phát đang tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số nước châu Âu, chỉ số này đã vượt 10 - 20%. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đã đánh giá lạm phát tại Việt Nam và những tác động lên thị trường chứng khoán.

Chỉ số CPI của Việt Nam ở mức nào?

Trong tháng 5/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để đo lường lạm phát của Việt Nam tăng 2,86%. Các yếu tố làm tăng chỉ số này là do giá xăng dầu trong nước đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian tới nếu giá dầu duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, tính trong 5 tháng 2022, CPI vẫn được kiểm soát, chỉ tăng 2,25%/năm, thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu các năm 2017 - 2020.

Nhờ đâu mà lạm phát của Việt Nam không quá cao? Vì CPI được hình thành bằng một giỏ hàng hóa. Ở Việt Nam, giá các mặt hàng thực phẩm không tăng nhiều, thậm chí giá thịt lợn giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong rổ hàng hóa, thực phẩm chiếm đến 58%. Đây chính là yếu tố kiềm chế lạm phát ở Việt Nam mặc dù giá xăng tăng. Điều này khẳng định, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4% (mức mục tiêu) của Chính phủ, và đủ dư địa chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá.

Lịch sử TTCK Việt Nam từ năm 2000 trở lại đây. Ảnh nguồn Agriseco Research.

Lịch sử TTCK Việt Nam từ năm 2000 trở lại đây. Ảnh nguồn Agriseco Research.

Tuy nhiên, SSI đặt giả thiết, thị trường có nhiều lo ngại về giá xăng dầu và nhu cầu hồi phục sau đại dịch sẽ gia tăng áp lực lạm phát trong nửa cuối năm. Khi lạm phát vượt mục tiêu 4% của Chính phủ nhưng dưới 10% thì thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn là kênh đầu tư hợp lý.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), kể từ năm 2000 trở lại đây lạm phát dưới 5%, chỉ số VN-Index ghi nhận mức sinh lời 1,8%/tháng. Lạm phát từ 5 - 10%, chỉ số VN-Index ghi nhận mức sinh lời 2,71%/ tháng.

Theo Agriseco Research, lạm phát dưới 10% chứng khoán vẫn là kênh đầu tư phù hợp. Lạm phát xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong đà tăng trưởng thường vẫn là tín hiệu tích cực cho TTCK.

Triển vọng thị trường năm 2023

Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong môi trường lạm phát vừa phải, vì thế TTCK vẫn là kênh hỗ trợ đầu tư trong bối cảnh GDP dự báo tiếp tục tăng trưởng. Triển vọng các ngành trong thời kỳ lạm phát được SSI Research nhận định, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong năm nay và các năm tới; hưởng lợi khi lạm phát xảy ra.

Trong cuộc họp vào tuần trước của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định mức tăng lãi suất thêm 0.75%, đây là mức tăng lãi suất mạnh nhất kể từ tháng 11/1994 và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ. Từ đó, tình hình tài chính toàn cầu trở nên thắt chặt hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, bởi các lý do sau: Mặc dù áp lực lạm phát trong nước dự kiến gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%/năm. Nhu cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch. NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Chỉ số VN-Index vẫn đang ở đáy 5 tháng. Ảnh nguồn SSI.

Chỉ số VN-Index vẫn đang ở đáy 5 tháng. Ảnh nguồn SSI.

Chính vì vậy, TTCK vẫn có thể tăng trưởng trong điều kiện lạm phát trong tháng 5 chỉ ở mức 2,86% như hiện tại. Chỉ số CPI sẽ có thể tăng vượt mục tiêu 4% của Chính phủ trong thời gian tới do giá xăng dầu và nhu cầu hồi phục sau dịch tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng ở ngưỡng cho phép dưới 10% thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hợp lý, nhất là trong bối cảnh GDP tiếp tục tăng trưởng. Trong suốt chiều dài lịch sử, cổ phiếu vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hàng đầu để phòng tránh lạm phát.

Theo khảo sát của JP Morgan, cổ phiếu là nhóm chống lạm phát hiệu quả thứ hai, sau nhóm hàng hóa. Còn Bloomberg thống kê vàng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong môi trường lạm phát, khi tỷ suất sinh lời của kênh tài sản này thấp hơn nhiều so với chỉ số S&P500 và giá cả hàng hóa cơ bản như dầu, kim loại và các mặt hàng nông sản.

Từ thông tin về lịch sử của thị trường trong thời kỳ lạm phát kể trên, TTCK vẫn có thể hồi phục trở lại bất cứ lúc nào. Hiện tại, chỉ số VN-Index đang tiệm cận vùng đáy tháng 5 với thanh khoản giao dịch ở mức thấp. Nếu thị trường tạo 2 đáy thành công, nhà đầu tư (NĐT) tiếp tục tìm kiếm ngày bùng nổ theo đà để có những quyết định đầu tư tiếp theo.

SSI kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, và cơ hội vẫn còn đó, thậm chí là rẻ hơn để NĐT thực hiện đầu tư cho tương lai. Đây là cơ hội tốt để dòng tiền lớn phân bổ tỷ trọng đầu tư vào các cổ phiếu cơ bản dài hạn.

Triển vọng ngành 2023 và nhóm cổ phiếu hưởng lợi được SSI Research nhận định như sau: Giả sử, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro về thắt chặt tiền tệ và nguy cơ về suy thoái kinh tế hiện hữu, triển vọng một số ngành như sau ít chịu tác động như: Ngành điện, dược phẩm, nước, thực phẩm (đặc biệt là thực phẩm xuất khẩu như thủy sản và gạo), công nghệ và logistics. Những ngành dự kiến gặp bất lợi do nỗ lực ổn định vĩ mô của Chính phủ như: Bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng.

SSI Research khuyến cáo: NĐT có tỷ trọng cổ phiếu lớn thì lúc này không nên nghĩ đến việc bán tháo bằng mọi giá, việc thực hiện mua bình quân cũng là hạn chế trong thời điểm này. Thay vào đó, nên thực hiện giảm tỷ trọng để giữ an toàn cho danh mục khi thị trường phục hồi trong vài phiên tới.

NĐT nhanh nhạy và bám sát thị trường, chiến lược trading giảm giá vốn có thể được áp dụng, không dùng margin. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đã ra báo cáo kết quả kinh doanh 2 tháng của quý 2, đây cũng là cơ sở để chọn lựa cổ phiếu mới tham gia dành cho NĐT hiện đang đứng ngoài hoặc giữ tỷ trọng tiền mặt cao. Ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có dự báo kết quả tăng trưởng, dư địa còn tốt.

 

 

Nguồn https://kinhtedothi.vn/lam-phat-tac-dong-den-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-ra-sao.html