Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) năm nay, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trên cả nước tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, ý nghĩa. Những hoạt động này thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” cho học sinh Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), tháng 11-2024.
Đa dạng các hoạt động
Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là dịp để các địa phương tuyên truyền chính sách, đặc biệt là các chính sách mới đi vào cuộc sống. Tại tỉnh Thanh Hóa, Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ, đồng hành, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành Tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố: Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An, điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, nhất là với các vấn đề nóng, còn có ý kiến khác nhau; phổ biến các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua trong 2 năm 2023 và 2024; những nội dung pháp luật thiết thực với người dân, doanh nghiệp.
Còn tại Hà Nội, Ngày Pháp luật năm nay có chủ đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ, đồng hành, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nét đặc biệt là bên cạnh các chương trình theo thông lệ hằng năm như phổ biến pháp luật; phản ánh, tôn vinh gương người tốt - việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật..., nhiều phiên tòa giả định được triển khai tới học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Thủ đô.
Ngay đầu tháng 11-2024, tại Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), lần đầu tiên phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” được dàn dựng công phu, tỉ mỉ đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với học sinh. Sau khi kết thúc phiên tòa giả định, Ban tổ chức tổ chức trò chơi mang tên “Ai hiểu luật pháp hơn?”, giúp các em tìm hiểu kỹ về sự kiện này, cũng là dịp giúp học sinh nắm rõ hơn kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường.
Đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật
Năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho biết, cùng với các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan cũng hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan "gác cổng" pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều chương trình truyền thông, nhằm lan tỏa thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật.
Đề cập cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, mới đây, cơ quan này đã hoàn thành Bộ Pháp điển bao gồm các quy phạm pháp luật tập hợp từ khoảng 9.000 văn bản quy phạm pháp luật cấp trung ương đang còn hiệu lực, được sắp xếp, cấu trúc theo 45 chủ đề để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã góp sức cùng Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Diễn đàn có sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu, trao đổi về những vấn đề “nóng” trong công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật; là cơ hội để các bộ, ngành nắm bắt những vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp trở ngại trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Từ đó, có giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII: “…thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân...”.
Để Ngày Pháp luật Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao nhận thức, tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong xã hội, Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò của mình cùng Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương và các hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các vấn đề của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến người dân và doanh nghiệp.
Ở cấp cơ sở, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo đảm nguồn lực kinh phí triển khai sử dụng hiệu quả Bộ Pháp điển luôn "đúng, đủ, sạch, sống", vận hành liên tục. Đích đến không chỉ phục vụ việc tra cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn là cơ sở để triển khai hiệu quả công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công