Làng nuôi cá chép đỏ hút khách nhất Thanh Hoá
Từ lâu, người dân làng Tân Cổ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) lấy việc nuôi cá chép đỏ làm nghề truyền thống của địa phương. Cứ gần đến độ 23 Âm lịch hằng năm, cả làng lại tấp nập cảnh mua bán cá chép cho cánh lái buôn khắp tỉnh.
Theo truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường cúng tiễn bằng cá chép để ông cưỡi về trời.
Cũng từ quan niệm đó, người dân làng Tân Cổ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) đã có thêm nghề nuôi cá chép mang lại nhiều thu nhập.
Làng Tân Cổ nuôi cá chép đỏ hút khách nhất Thanh Hoá
Ghi nhận của phóng viên tại làng Tân Cổ vào sáng 22 tháng Chạp, con đường vào làng mọi khi vắng vẻ nay trở nên nhộn nhịp lạ thường, cảnh tượng buôn bán diễn ra tất bật. Từng đoàn xe máy, xe đạp, xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau tới nhà các chủ cá để lấy hàng đưa đi các nơi tiêu thụ.
Làng Tân Cổ có nghề truyền thống nuôi cá chép tiễn ông Táo từ xa xưa, đời này nối đời khác nên ở làng nhà nào ít nhất thì có 1 ao, nhiều thì có 3 - 4 ao để nuôi cá giống, đặc biệt là cá chép đưa ông Táo về trời.
Đến sáng 22 tháng Chạp, nhiều nhà nuôi cá trong làng đã xảy ra tình trạng "cháy hàng". Chỉ còn lại số ít cá bán lẻ
Theo chia sẻ của người dân trong làng cho biết, để chuẩn bị cho ngày ông Công ông Táo về trời, từ 18 đến 20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá bắt đầu tập trung nhân lực, máy móc để hút nước, kéo lưới, đánh cá khỏi ao.
Cá sau khi đánh khỏi ao được cho vào các bể tạm chờ khách đến chọn. Cá có đủ các kích cỡ, từ 30 - 40 con/kg và có loại 100 con/kg cho khách thoải mái chọn lựa.
Vốn dĩ cá chép ở làng Tân Cổ nổi tiếng xưa nay vì có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe, nên được người dân nhiều nơi tin dùng. Ban đầu nghề nuôi cá chép đỏ xuất phát từ các hộ dân ở thôn Tân Cổ, nay đã nhân rộng ra nhiều thôn lân cận trong vùng.
Theo ghi nhận, đến sáng ngày 22 tháng Chạp, các hộ nuôi có cá đẹp đều đã "cháy hàng". Còn lại một số ít cá để người dân trong làng mang đi bán lẻ vào sáng ngày ông Công, ông Táo. Dù giá cả có thấp hơn năm ngoái, nhưng nhà nào cũng nuôi được nhiều cá chép, có rất nhiều thương lái đến nhập cá nên người dân cũng có thu nhập.
Cá bán sỉ tại ao dao động từ 140.000 đến 180.000 đồng/kg cá
Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên cá cúng ông Công, ông Táo ở Tân Cổ cũng có giá hơn mọi năm. Giá cá bán sỉ tại ao dao động từ 140.000 đến 180.000 đồng/kg cá, bán lẻ 20.000-40.000 đồng/3 con.
Sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi nhỏ lẻ tầm 3 - 5 ao thu về từ 80 - 100 triệu đồng, cá biệt có những hộ nuôi lớn có thể thu về vài trăm triệu đồng từ việc nuôi cá chép cúng.
Nhiều hộ nuôi cá chép cho biết, tuy là nuôi thời vụ, nhưng nuôi cá phục vụ ngày ông Công, ông Táo đã trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở Tân Cổ.
Cá chép Tân Cổ nổi tiếng vì có hình dáng đẹp, đỏ đều, sống khỏe
Để chuẩn bị cho hàng cá ông Công, ông Táo người dân phải xuống giống từ độ tháng 6, tháng 7 âm lịch. Vì cá chép Tân Cổ có "thương hiệu" nên nhiều mối buôn đã đặt giữ chỗ. Đến cận ngày, thương lái chỉ việc đánh xe ôtô đến, trên xe có đầy đủ thiết bị như hệ thống sục ô-xy, bình ô-xy, thùng đựng... để vận chuyển cá đi các địa phương trong tỉnh.
Thông tin từ UBND thị trấn Tân Phong cho biết, toàn thị trấn hiện có khoảng gần 300 hộ nuôi cá "ông Công, ông Táo". Để tạo điều kiện về vốn cho người dân kinh doanh sản xuất, địa phương có những chính sách hỗ trợ xác nhận để phối hợp với ngân hàng trên địa bàn. Nhờ đó, mỗi năm làng Tân Cổ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30 - 40 tấn cá chép để cúng Táo quân.
Vì đây là loại cá đặc biệt nên người nuôi phải thực sự rất cẩn thận từ các khâu nuôi thả
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Hữu Quảng (Tân Hậu, Tân Phong) cho biết, cá chép đỏ rất dễ nuôi, ít bị bệnh, vốn đầu tư ít, thời gian nuôi ngắn, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi cá thương phẩm. Từ đầu tháng, nhiều thương lái đã đến thu mua hết hơn 1 tấn cá của gia đình ông, tuy nhiên năm nay giá cá không được như mọi năm.
Qua tìm hiểu, vì đây là loại cá đặc biệt nên người nuôi phải thực sự rất cẩn thận từ các khâu nuôi thả, chăm sóc cho đến thu hoạch. Trong quá trình nuôi, ao lúc nào cũng phải giữ sạch sẽ, bật guồng tạo ôxy 24/24 giờ; cứ 15 ngày phải sát trùng và rắc men vi sinh vào ao 1 lần để tạo cho nước có màu xanh thẫm. Có như vậy thì cá mới tránh được nhiễm khuẩn và có màu đỏ đẹp mắt.
Có thể thấy, nghề nuôi cá chép ở làng Tân Cổ, huyện Quảng Xương không chỉ đem nguồn thu nhập cho người dân mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Với định hướng phát triển của địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, kỳ vọng nơi đây sẽ ngày càng phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu của một làng nghề truyền thống.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/lang-nuoi-ca-chep-do-hut-khach-nhat-thanh-hoa-post178773.html
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine