Lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử

Thứ hai, ngày 20 tháng 6 năm 2022 | 21:20

Những năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển bùng nổ, tạo lực đẩy cho nền kinh tế. Song, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ… cũng theo đó diễn biến phức tạp, gây mất niềm tin của người tiêu dùng. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần nỗ lực nhiều hơn để lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ lô mật ong giả tại xã Đức Giang (huyện Hoài Đức) được bán trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Ảnh: Vĩnh Hà

Gian lận vẫn phức tạp

Ngày 10-6, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra cơ sở sản xuất mật ong ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, phát hiện và thu giữ 2.000 lít mật ong được làm từ đường, nha và nước cốt mạch. Mật ong giả được bán với giá 99.000 đồng/lít trên nền tảng mạng xã hội Facebook.

Trước đó, vào cuối tháng 4-2022, lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ gần 13.000 sản phẩm gồm giày dép, quần áo, chăn, ga, gối, đệm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, tại một cơ sở ở tỉnh Thanh Hóa. Số hàng trên được bán qua mạng xã hội, có ngày chốt hàng nghìn đơn hàng, doanh số hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc vi phạm trên môi trường thương mại điện tử được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua. Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền thông tin, năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, xử phạt hành chính hơn 20 tỷ đồng. Mỗi năm, có khoảng 300 website và ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cung cấp tới các cơ quan chức năng để làm rõ và có biện pháp xử lý.

Với những ưu điểm nổi bật như hàng hóa đa dạng, đặt hàng dễ dàng, thanh toán, nhận hàng thuận tiện…, thương mại điện tử đã trở thành kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, phương thức mua sắm này cũng bộc lộ những hạn chế, nổi cộm là vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê nhìn nhận, thương mại điện tử không cố định một nơi, mà ở nhiều quốc gia, xuyên biên giới; hàng hóa phân tán nên khó xác định… Không ít đối tượng mở gian hàng, giảm giá, khuyến mại để bán nhiều loại hàng lậu, hàng giả; khi hết chương trình, gian hàng cũng biến mất. Ngoài ra, một số sàn thương mại điện tử chưa chặt chẽ ở khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa, bỏ lọt nhiều loại hàng giả, hàng nhái…

Nhiều bên cùng vào cuộc

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, cơ quan chức năng dự báo tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50-60% trong tổng số các hình thức gian lận thương mại nói chung. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của nhiều bên. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho hay: “Cùng với đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng..., chúng tôi thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ xuất xứ… trên thương mại điện tử. Thực tế, việc kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xuất xứ thì sớm muộn cũng bị phát hiện, xử lý và bị người tiêu dùng tẩy chay”.

Trên thực tế, các sàn thương mại điện tử đã triển khai một số biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát người bán và thông tin hàng hóa, dịch vụ. Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử sendo.vn) Đặng Đăng Trường cho biết, sàn  sendo.vn triển khai 3 lớp chống hàng giả, hàng nhái. Lớp thứ nhất dùng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) kiểm tra tất cả sản phẩm đăng bán trên sàn và lọc bỏ những trường hợp nghi ngờ (do giá bán quá chênh lệch so với sản phẩm cùng loại; hình ảnh sản phẩm không trùng khớp, bất hợp lý; sản phẩm thương hiệu nhưng không có đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc; sản phẩm bị cấm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử...). Biện pháp này hiện đạt độ chính xác 80-85%. Lớp thứ hai, sendo.vn kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm có khả năng vi phạm cao, sản phẩm giá trị lớn. Lớp thứ ba là áp dụng quy trình ghi nhận khiếu nại, kiểm tra đối soát.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hằng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền, hàng không rõ nguồn gốc trên cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Đơn vị cũng phối hợp với các lực lượng khác thường xuyên trao đổi thông tin, xử lý và ngăn chặn vi phạm.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai Đề án về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng cho thương mại điện tử với các giải pháp tổng thể, toàn diện. Đồng thời mở rộng, nâng cấp Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử; rà soát, phân loại các website, ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh theo các nhóm hàng để dễ theo dõi, phát hiện, xử lý các vi phạm.

 

 

Nguồn https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1034884/lanh-manh-hoa-thi-truong-thuong-mai-dien-tu