Liên hợp quốc hạ dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 về mức 3,1%
Theo báo cáo Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới (WESP) mới nhất của Liên hợp quốc, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng 3,1% trong năm nay, giảm so với dự báo 4% được đưa ra hồi tháng Một.
Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN.
Xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn đà phục hồi kinh tế mong manh sau đại dịch Covid-19, khiến giá lương thực và hàng hóa tăng cao và làm trầm trọng thêm sức ép lạm phát.
Với việc giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh, lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên 6,7% trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 2,9% trong giai đoạn từ 2010 đến 2020.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết xung đột tại Ukraine đang đánh đi tín hiệu về một cuộc khủng hoảng, khi làm rúng động thị trường năng lượng toàn cầu, gián đoạn hệ thống tài chính và làm trầm trọng thêm tình trạng dễ tổn thương đối với các nước đang phát triển.
Theo ông Guterres, các nước cần hành động nhanh chóng và dứt khoát để đảm bảo dòng chảy lương thực và năng lượng ổn định trên các thị trường mở, với việc dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu, phân bổ thặng dư và dự trữ cho những đối tượng thực sự cần, đồng thời giải quyết đà tăng của giá lương thực để làm dịu những biến động trên thị trường.
Triển vọng về giá năng lượng và lương thực đặc biệt ảm đạm đối với các nền kinh tế đang phát triển phải nhập khẩu hàng hóa khi tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng, đặc biệt là tại châu Phi.
Báo cáo WESP lưu ý các nền kinh tế tại Trung Á và châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Giá năng lượng tăng đã là một cú sốc đối với Liên minh châu Âu (EU), khi khối này nhập khẩu gần 57,5% tổng tiêu thụ năng lượng vào năm 2020. Kinh tế EU được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% thay vì 3,9% như dự đoán hồi tháng Một.
Theo báo cáo, các quốc gia thành viên EU tại Đông Âu và khu vực Baltic đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi có tỷ lệ lạm phát cao hơn mức trung bình của EU.
Chi phí lương thực và năng lượng tăng cao cũng gây thách thức cho quá trình phục hồi sau đại dịch khi các hộ gia đình có thu nhập thấp chịu thiệt hại nặng nền hơn.
Bên cạnh đó, chính sách "thắt chặt tiền tệ" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm tăng chi phí đi vay và làm trầm trọng thêm khoảng cách tài chính tại các nước đang phát triển.
Ngoài ra, lượng khí thải CO2 toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục và giá năng lượng tăng cũng đang đe dọa những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Khi các quốc gia đang tìm cách mở rộng nguồn cung năng lượng để đối phó với đà tăng của giá dầu và khí đốt, báo cáo của Liên hợp quốc dự đoán sản lượng nhiên liệu hóa thạch có khả năng tăng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Shantanu Mukherjee, quan chức cấp cao của Cục các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (DESA), cho rằng các quốc gia cũng có thể giải quyết mối lo ngại về năng lượng và an ninh lương thực với việc đẩy nhanh áp dụng năng lượng tái tạo để chống biến đổi khí hậu.
Nguồn https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/lien-hop-quoc-ha-du-bao-kinh-te-toan-cau-nam-2022-ve-muc-3-1-post297864.html
- Lạm phát tăng mạnh, người Mỹ lo lắng suy thoái đang đến gần
- Chứng khoán Mỹ: Hồi phục ấn tượng sau đợt bán tháo, Dow Jones tăng 600 điểm
- Chứng khoán Mỹ: Dow Jones ghi nhận chuỗi tuần lao dốc dài nhất từ năm 1923
- Dow Jones sụt hơn 600 điểm, S&P 500 rớt mốc 4,000 điểm
- Điều tồi tệ ập đến, nước Mỹ hứng cú sốc mạnh nhất 2 năm qua
- IMF: Sóng bán tháo tiếp tục dâng khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách
- Trái chiều chính sách tiền tệ Mỹ - Nhật khiến đồng Yên tụt giá xuống đáy 20 năm
- Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
- Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và nỗi lo lạm phát khiến giới đầu tư vẫn chọn cách bán ra