Livestream bán hàng phản cảm: Cần kiểm soát chặt chẽ
Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… bùng nổ tình trạng các tài khoản livestream (phát video trực tiếp) bán hàng nhưng ăn mặc gợi cảm, hở hang nhằm thu hút người xem.
Việc làm này sẽ tạo hiệu ứng không tốt đối với lớp trẻ khi vào xem, bình luận những ngôn từ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục.
Giáo viên chia sẻ kỹ năng tại một lớp học livestream bán hàng. Ảnh: Châu Linh
"Mầm độc" với giới trẻ
Chỉ cần vào TikTok, Facebook, người xem chẳng khó khăn để gặp những hình ảnh có các cô gái ăn mặc phản cảm livetream bán hàng. Đơn cử như đoạn livestream bán quần áo mặc nhà của tài khoản Huyentay trên TikTok thu hút rất đông người xem. Để biểu diễn cho khách xem, tài khoản Huyentay sẵn sàng thay áo liên tục trên sóng livestream...
Hiện trên nền tảng TikTok hoặc phần nội dung "Thước phim ngắn" của Facebook, không khó để xem được những livestream bán hàng như nội y nam nữ, áo sơ mi, thuốc tăng cường sinh lý... có người mẫu khoe thân.
Thậm chí, nhiều người bán hàng là nam sẵn sàng mặc nội y ngay tại buổi livestream để khách hàng nhìn rõ thiết kế, kiểu dáng. Hoặc có nhân viên nữ bán áo sơ mi nam nhưng chỉ mặc mỗi chiếc áo trên người. Thỉnh thoảng nữ nhân viên này còn cố tình kéo áo cao lên để lộ phần nhạy cảm. Hình ảnh được nhiều khách xem livestream đánh giá là hở hang, lố lăng khiến không ít người xem phải đỏ mặt.
Bày tỏ sự thất vọng về những livestream khoe thân phản cảm, chị Nguyễn Thu Liên (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết, có lần chị đang lướt xem TikTok thì thấy tài khoản Huyền Trang livestream bán quần, áo. Tò mò, chị vào xem thử nhưng thật xấu hổ khi cô gái bán hàng đã cởi áo ngay trước mặt 23.000 người xem livestream.
Chị Nguyễn Thu Liên cho rằng, livestream bán hàng phản cảm là mầm độc với giới trẻ. Nếu trẻ con mà xem nhiều livestream kiểu này thì không biết hậu quả sẽ ra sao? Điều đáng nói là các đoạn video này rất dễ tìm kiếm, dễ xem, được đăng một cách công khai và thu hút nhiều lượt tương tác, bình luận trái chiều, trái với thuần phong mỹ tục.
Cần xử lý nghiêm theo quy định
Trao đổi về hình thức bán hàng thông qua phát video trực tiếp, nhiều tài khoản cho biết, đó là hình thức bán hàng hiệu quả. Tài khoản "Thu Trang", người chuyên bán quần áo cho biết, chỉ cần thuê một người dáng cao ráo, da trắng trẻo làm mẫu thì sản phẩm bán rất nhanh. Tuy nhiên, việc nhiều chủ cửa hàng muốn tăng tương tác, câu like bằng cách khoe hình ảnh phản cảm thì không phù hợp, hiện bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Hơn nữa, dù doanh thu cao hơn nhưng những lời bình luận khiếm nhã sẽ gây phiền toái nhiều cho chủ tài khoản.
Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định, các hành vi livestream, khoe ảnh nóng lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Đối với hành vi khoe thân, ăn mặc phản cảm trên sóng livestream để quảng cáo sản phẩm nhằm mục đích bán hàng có thể bị xem xét xử phạt hành chính tùy với mức độ vi phạm.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, việc quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Còn theo quy định tại Điểm D, Khoản 4, Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP (ngày 29-3-2021) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, phạt tiền 40-60 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Ngoài ra, tùy vào mức độ hành vi, người vi phạm sẽ bị xử phạt căn cứ theo Điểm B, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (ngày 3-2-2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Thực tế, việc livestream bán hàng bằng hình ảnh phản cảm đã xuất hiện vài năm qua, nhưng mới đây, tình trạng này thực sự bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube. Nhiều tài khoản cá nhân livestream xúc phạm danh dự người khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… đã bị pháp luật xử lý, từ bị nhắc nhở, ngăn chặn hoạt động đến phạt tiền, truy tố trước pháp luật.
Tuy nhiên, các tài khoản livestream bán hàng bằng việc khoe thân, phản cảm dường như chưa được xử lý nghiêm. Mong rằng thời gian tới, các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là rà soát, phát hiện kịp thời những hành vi trái với thuần phong mỹ tục đang bùng nổ trên các livestream bán hàng để xử lý theo quy định pháp luật, bảo đảm sự văn minh trong bán hàng trực tuyến.
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam