"Lò" lại rực lửa đầu năm mới!
Những ngày đầu năm 2022, "lò chống tham nhũng" lại rực lửa với liên tiếp những vụ khởi tố chấn động dư luận, trong đó, nhiều người "dính chàm" là lãnh đạo cấp cao ở tỉnh, thành.
Mới đây nhất, nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận và 4 bị can bị bắt để điều tra liên quan đến việc giao 3 lô đất rộng hơn 9,26 ha cho doanh nghiệp làm dự án không đúng quy định.
Trước đó, vào cuối tháng 1, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 người , trong đó có bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Có tới 10 đại án sẽ được xét xử trong năm 2022 này với những vụ án đang được nhân dân cả nước dõi theo như vụ "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương. Nhiều vụ liên quan đến đất đai, tài sản Nhà nước như vụ án liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM; Tân Thuận (IPC); vụ án "đưa hối lộ; môi giới hối lộ; nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ…
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" (Ảnh minh họa: Ngọc Diệp).
Đáng chú ý là nhiều vi phạm có thể xảy ra đã lâu nhưng không vì thế mà "chìm xuồng". Chúng ta biết rằng, nguồn lực đất đai rất quý giá nhưng không vô tận, song cũng chỉ bởi thế mà rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực này. Khi mà hệ thống pháp luật đâu đó vẫn còn lỗ hổng, còn "tranh tối tranh sáng" thì việc các bên "bắt tay nhau" để thu vén lợi ích, gây thất thoát cho Nhà nước, tổn hại đến nhân dân không phải là hiếm.
Có không ít tên tuổi lớn, từng "lẫy lừng" một thời như cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn… cũng không thoát vòng lao lý.
Về mức độ vi phạm và các thủ đoạn chia chác giữa các bên ra sao còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra và Tòa án kết luận, song thực tế cho thấy, lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt, kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra. Đã là vi phạm pháp luật, đã tham nhũng thì dẫu "ăn kín" đến đâu cũng để lại dấu vết và phải trả giá.
Quyết tâm của Đảng, ý chí của Trung ương về "quét sạch" tham nhũng là rất rõ. Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi tháng 1 vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong năm 2021, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, "không ngừng", "không nghỉ", không vì chống dịch mà "chùng xuống, không xử lý".
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái trong năm qua (tăng 132 đảng viên so với năm 2020) là một con số không nhỏ.
Có người nói với tôi rằng: "Với cơ chế lương, thưởng vẫn bất cập, không tương xứng với vị trí, chức vụ thì rất khó để quét hết tiêu cực trong khi cám dỗ lợi ích rất lớn". Tuy nhiên, tôi cho rằng, thu nhập chỉ là một phần câu chuyện và đó không phải là lý do để bao biện. Sẽ là sai lầm nếu xác định vào Nhà nước để làm giàu. Một hệ thống mạnh cần phải dựa trên những cá nhân trong sạch.
Quan trọng là làm sao để "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" như Tổng Bí thư từng nói. Chỉ khi quyền lực được kiểm soát; chịu sự giám sát chéo và chặt chẽ, quyền lực của Nhân dân được thực hiện một cách đầy đủ; các cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật thì không thể có chuyện lộng quyền, lạm quyền, dễ dàng lợi dụng quyền lực để mà tham nhũng, trục lợi.
Nếu mỗi người đứng đầu sử dụng quyền lực đúng với chức trách, nhiệm vụ, thấu được tính hai mặt của quyền lực để không bị tha hóa, chuyển hóa; hiểu được mình là ai, phụng sự ai... thì khi đó, lò chống tham nhũng hẳn cũng sẽ không còn phải hoạt động với công suất lớn với đủ các loại củi khô và củi tươi như hiện nay!
Đương nhiên, với việc tiền lương được cải cách phù hợp, tương xứng nhiệm vụ công việc và thực tiễn cuộc sống thì cũng sẽ bớt được một phần động cơ tham nhũng, không ai còn dám viện cớ "không đủ sống" để mà làm xằng làm bậy.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/lo-lai-ruc-lua-dau-nam-moi-20220214234822375.htm
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam