Đồng Đô la Mỹ yếu là thông tin tích cực đối với các thị trường mới nổi, điều này thường xảy ra khi FED cắt giảm lãi suất ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg |
FED muốn có thêm 'dữ liệu tốt' trước khi cắt giảm lãi suấtTrung Quốc quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ và vì sao điều đó lại quan trọng? |
Lãi suất cao hơn thúc đẩy đồng tiền của một quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng nhu cầu về đồng tiền của quốc gia đó. Đồng Đô la Mỹ yếu nhìn chung là điều tích cực đối với các thị trường mới nổi, điều này thường xảy ra khi FED cắt giảm lãi suất ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế.
FED đã chuyển sang quan điểm ôn hòa hơn vào tháng 12 năm ngoái, khi thị trường định giá việc cắt giảm lãi suất vào mùa hè này. Tại cuộc họp tháng 1, FED đã giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại là 5,25 đến 5,5% và cho biết các nhà hoạch định chính sách dự kiến chỉ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
Kể từ cuộc họp chính sách tháng 1 của FED, Chủ tịch FED Jay Powell đã phản đối việc thị trường đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng. Một số nhà phân tích kỳ vọng, sự phản đối đó sẽ tiếp tục được lặp lại khi biên bản cuộc họp đó được công bố vào ngày 20/2, đặc biệt khi có những dấu hiệu gần đây về áp lực lạm phát vẫn dai dẳng. Các quan chức FED cho biết họ chưa sẵn sàng về việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, sẽ diễn từ ngày 19 đến ngày 20/3, bởi vì họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% của FED. |
Trước cuộc họp, thị trường đã định giá có tới 5 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024, đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách trong nửa đầu năm nay. Công cụ CME FedWatc cũng cho thấy, đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầu tiên vào năm 2024 có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 6.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các loại tiền tệ châu Á như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Won của Hàn Quốc và đồng Rupee của Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng của FED.
Nhân dân tệ không thể xuống thấp hơn nữa
Trung Quốc đã phải hứng chịu hàng loạt tin tức bất lợi làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều hy vọng chính quyền Trung Quốc sẽ không cho phép đồng tiền của quốc gia phụ thuộc vào thương mại này suy yếu dưới một mức cho phép.
Theo Arun Bharath - Giám đốc đầu tư của Bel Air Investment Advisors, trước đây Trung Quốc đã cố gắng ổn định đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la và dự kiến sẽ tiếp tục làm như vậy.
“Mặc dù tỷ giá hối đoái giữa USD/CNY đã suy yếu xuống mức 7, phản ánh tình hình kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc, nhưng việc suy yếu hơn nữa khó có thể xảy ra khi các nhà hoạch định chính sách bắt đầu phản ứng tích cực hơn trong kích thích tài chính, tăng trưởng tín dụng và nâng cao giá trị tài sản” - Bharath nói.
Ông cũng lưu ý, tỷ giá hối đoái của đồng tiền Trung Quốc có thể sẽ dao động trong “một biên độ hẹp xung quanh tỷ giá hối đoái hiện tại là 7,10”.
Ngày 20/2, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tham chiếu cho các khoản thế chấp nhiều hơn dự kiến để vực dậy thị trường bất động sản. Ảnh: Reuter |
Không giống như các loại tiền tệ chính khác như đồng Yên của Nhật Bản hay đồng Đô la Mỹ có tỷ giá hối đoái thả nổi tự do, Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ đồng Nhân dân tệ trong nước. Đồng tiền này được chốt bằng tỷ giá cố định trung bình hàng ngày đối với đồng bạc xanh dựa trên mức đóng cửa trước đó của đồng Nhân dân tệ và giá niêm yết từ thị trường liên ngân hàng.
Năm ngoái, đồng Nhân dân tệ trong nước đã chạm mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng Đô la, ở mức 7,2981.
Nếu FED bắt đầu cắt giảm lãi suất vào mùa hè, điều đó có thể sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và giảm bớt một số áp lực lên đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Chênh lệch lợi suất là một cách để so sánh trái phiếu thông qua sự khác biệt giữa mức lợi tức mà chúng mang lại.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là cơ quan phụ trách việc quản lý tiền tệ, điều mà Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích ngoại hối tại Monex cho biết, có thể được thực hiện thông qua việc ấn định tỷ giá hàng ngày, cùng các biện pháp thanh khoản, các kênh điều tiết và hướng dẫn các ngân hàng nhà nước can thiệp. Tuy nhiên, phương pháp cuối cùng khó đánh giá hiệu quả vì tổng giá trị Đô la trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện vẫn chưa được xác định.
Rupee có khả năng sẽ mạnh lên
Đồng Rupee của Ấn Độ có thể được hưởng lợi lớn từ giao dịch chênh lệch lãi suất trong năm nay, một chiến lược trong đó các nhà giao dịch vay các loại tiền tệ có lãi suất thấp như đồng Đô la Mỹ để mua tài sản có lãi suất cao như trái phiếu.
“Rất nhiều giao dịch chênh lệch tỷ giá với các loại tiền tệ khác như đồng Yên hoặc đồng Euro nhưng một khi lãi suất giảm ở Mỹ, chúng ta sẽ thấy chênh lệch lãi suất tăng lên dẫn đến chênh lệch tỷ giá trong giao dịch. Vì vậy, điều đó cũng tích cực đối với đồng tiền Ấn Độ” - Anindya Banerjee - Phó chủ tịch nghiên cứu tiền tệ và phái sinh tại Kotak Securities cho biết.
Đồng Rupee cũng có thể mạnh lên trong bối cảnh hy vọng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn so với các ngân hàng trung ương khác.
Đồng Rupee của Ấn Độ có khả năng sẽ mạnh lên, được hưởng lợi từ giao dịch chênh lệch tỷ giá và hy vọng rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ có thể nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn so với các đồng tiền khác. |
Banerjee lưu ý rằng tốc độ cắt giảm lãi suất của RBI sẽ “chậm hơn nhiều” so với FED và “sẽ luôn giảm đáng kể so với FED vì Ấn Độ không gặp phải vấn đề lạm phát giống như châu Âu hay châu Mỹ”. Ông nói: “Lý do rất đơn giản, bởi vì chính sách tài khóa đang phát huy tác dụng, nền kinh tế đang hoạt động rất tốt và họ không muốn có bất kỳ sự nóng lên nào vào thời điểm này”.
Đồng Rupee đã mạnh lên tới mức 82,82 so với đồng Đô la trong 3 tháng qua. Đồng tiền này giảm 0,6% so với đồng Đô la vào năm 2023, mức suy yếu thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giảm 11% của năm trước đó.
Áp lực lên đồng Won của Hàn Quốc
Đồng Won của Hàn Quốc đã chịu áp lực trong 3 năm, nhưng triển vọng kinh tế được cải thiện và chính sách nới lỏng của FED sẽ giúp giảm bớt căng thẳng đó vào năm 2024.
“Là một loại tiền tệ có lãi suất thấp và có tính chu kỳ cao, chúng tôi cho rằng đồng Won Hàn Quốc sẽ là một trong những đồng tiền được hưởng lợi chính từ chu kỳ nới lỏng của FED trong nửa cuối năm nay, vì lãi suất thấp hơn của Mỹ sẽ không chỉ giảm áp lực lên KRW thông qua kênh tỷ giá, mà còn đem đến sự lạc quan trong triển vọng tăng trưởng toàn cầu” - Harvey của Monex cho biết.
Tuy nhiên, Harvey cho biết mức tăng của đồng Won cũng sẽ được xác định bởi mức độ cắt giảm lãi suất của FED. Ông dự đoán đồng tiền này có thể tăng giá từ 5% đến 10% nếu chu kỳ nới lỏng sâu, trong khi chỉ tăng 3% nếu chu kỳ này nông.
Triển vọng kinh tế của Hàn Quốc cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2024 và 2025, cao hơn mức tăng trưởng 1,4% của năm ngoái./.