Loại trừ nội dung xấu độc
Hiện nay, TikTok là mạng xã hội có tốc độ lan truyền nhanh và có nhiều lượt xem nhất trên internet. Theo số liệu từ ICT - Chuyên trang thông tin công nghệ thông tin và truyền thông, tại Việt Nam, người dùng TikTok tập trung ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi và nước ta đang đứng thứ 6 thế giới về số người sử dụng mạng xã hội này, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi.
Thế nhưng, tỷ lệ “hút” người xem TikTok lại cũng đang tỷ lệ thuận với những nỗi lo. Khác với Facebook và Youtube, người dùng phải mất thời gian truy cập trang và tìm kiếm, còn những nội dung trên TikTok sẽ tự động tìm đến người dùng. Do đó, nếu không tỉnh táo, người sử dụng mạng, nhất là trẻ em sẽ dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.
Có thể kể đến trường hợp bốn học sinh Trung học cơ sở ở huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) đã bắt chước video trên TikTok, rủ nhau lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai ném đá vào xe ô tô đang lưu thông. Hay bé trai 10 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh phải nhập viện trong tình trạng vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên sau khi bắt chước một trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội.
Rồi những vụ như cô đồng "Đúng nhận, sai cãi", bốn phụ nữ mặc áo hồng uốn éo tại khu vườn tháp chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), hành vi miệt thị người nghèo của Nờ Ô Nô... Hậu quả là có không ít trẻ em trở thành nạn nhân "nhiễm độc" thụ động từ những thông tin xấu độc trên TikTok. Việc mải mê chạy theo trào lưu trên TikTok khiến không ít bạn trẻ chán nản với hiện tại, tìm kiếm sự thỏa mãn trên ứng dụng ảo, rồi bất chấp tất cả, thậm chí là sức khỏe, tính mạng để "câu view", tăng tương tác.
Đã đến lúc cần phải tức tốc ngăn chặn có hiệu quả những nội dung xấu độc đang lan truyền nhanh chóng trên TikTok. Một điều đáng mừng là Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho biết, sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam và xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Hoạt động này là nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của nền tảng mạng xã hội TikTok trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.
Thời gian qua, rất nhiều Tiktoker đã bị xử phạt hành chính liên quan đến việc đăng tải các nội dung phản cảm, độc hại. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, số lượng xử lý cũng như số tiền xử phạt còn nhỏ so với số tiền Tiktoker nhận được từ quảng cáo. Chính vì vậy, cùng với việc thanh tra toàn diện, cần nghiên cứu để tăng cường xử lý cũng như nâng chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần hợp tác chặt chẽ với TikTok để siết chặt nội dung, phía cơ quan chức năng phải có quyền xóa, chặn nội dung xấu độc. Đồng thời, yêu cầu TikTok cung cấp khả năng truy vết, siết chặt từ khóa, khóa chặn và truy vết tài khoản cố tình đăng tải thông tin xấu độc, tin giả, nội dung nhảm nhí trên nền tảng.
Để tránh những nội dung xấu độc trên TikTok nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em nói riêng, giới trẻ nói chung thì vai trò giáo dục của cha mẹ vô cùng quan trọng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, gia đình cần kết hợp với nhà trường giáo dục các con kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường thực và môi trường mạng. Cần tăng cường các chương trình phổ biến pháp luật của Nhà nước về an ninh mạng để giúp trẻ em sử dụng mạng xã hội an toàn, góp phần tạo ra “hệ miễn dịch số” - yếu tố quan trọng nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên mạng xã hội.
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo