Lợi nhuận của ngân hàng những tháng cuối năm 2024: Tiếp tục đà tăng trưởng dương?
Kết thúc mùa báo cáo tài chính quý II-2024, lợi nhuận ngành Ngân hàng đã rõ nét. Tốp 10 ngân hàng có lợi nhuận lên đến chục nghìn tỷ đồng cũng hiện diện đầy đủ.
Trước tình hình khả quan, triển vọng tài chính ngân hàng tăng trưởng dương được dự báo sẽ tiếp tục trong các tháng cuối năm 2024.
Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Đỗ Tâm
29 ngân hàng thương mại, lợi nhuận đạt gần 161.600 tỷ đồng
Tổng hợp kết quả kinh doanh từ 29 ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy lợi nhuận đạt gần 161.600 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Tốp 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2024 hiện diện đầy đủ lần lượt là: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV); Quân đội (MBBank); Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank); Công thương Việt Nam (VietinBank); Á Châu (ACB); Việt Nam Thịnh vượng (VPBank); Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) và Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Dù không có tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận trước thuế trong quý II-2024 của Vietcombank đạt hơn 10.116 tỷ đồng (tăng hơn 9% so với cùng kỳ). Cộng dồn 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20.835 tỷ đồng, giúp Vietcombank giữ vị trí “quán quân”. Đứng ở vị trí thứ hai, nhờ kết quả thuận lợi trong cả mảng tín dụng và thu ngoài lãi, mức lợi nhuận trong quý II-2024 của Techcombank đạt kỷ lục với lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5%. 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này đạt 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6%. “Rơi” khỏi vị trí thứ hai so với cùng kỳ năm 2023, BIDV đứng ở vị trí thứ ba với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%...
Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ, một số đơn vị cũng đã được ghi nhận mức tăng đột biến như Bản Việt (BVBank), tăng hơn 283% so với cùng kỳ năm trước với lợi nhuận trước thuế đạt 152,7 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch Đại hội cổ đông thông qua; Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đạt 5.919 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, tăng 142%.
Xét riêng trong quý II-2024, lợi nhuận trước thuế toàn ngành Ngân hàng đã tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, mang về khoảng 76.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận tăng. Nhiều ngân hàng cũng phải ngậm ngùi báo lãi “đi lùi” do kinh doanh kém hiệu quả.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận 6 tháng qua gồm: Tăng trưởng tín dụng cao hơn trong quý II bù đắp cho biên lãi ròng (NIM) giảm nhẹ. Thu nhập từ giao dịch ngoại hối mạnh mẽ hỗ trợ tổng thu nhập hoạt động (TOI). Về mặt chi phí, chi phí hoạt động được kiểm soát ở hầu hết các ngân hàng (thông qua cắt giảm nhân sự và kiểm soát chi phí G&A), trong khi trích lập dự phòng nói chung được nới lỏng tại nhiều ngân hàng...
Kỳ vọng tăng trưởng với mức phân hóa mạnh
Dự báo cho các tháng còn lại của năm 2024, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định tích cực về lợi nhuận ngành Ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương; đồng thời, lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh. Những ngân hàng tốp đầu, quy mô vốn lớn, lợi nhuận sẽ tăng trưởng cao so với năm trước, tỷ lệ nợ xấu trong vòng kiểm soát. Nhóm ngân hàng quy mô vốn trung bình có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Với quy mô vốn nhỏ, một số ngân hàng còn lại có thể sẽ chỉ cán mốc 70-80% lợi nhuận hoặc thấp hơn.
Các yếu tố hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ là những “bệ đỡ” quan trọng nhất giúp các ngân hàng tiếp tục vượt qua khó khăn, đạt lợi nhuận khả quan. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng sau nửa đầu năm 2024 đạt mục tiêu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó (6% so với cuối năm 2023) là điểm tựa quan trọng cho kết quả kinh doanh trong các tháng còn lại của năm. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng và cải thiện lợi nhuận.
“Lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 nhờ điều kiện hoạt động trong nước tốt hơn và lãi suất thấp hỗ trợ khả năng trả nợ của người đi vay và biên lãi ròng (NIM) cải thiện hơn. Nguồn vốn và thanh khoản sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng nguồn vốn dài hạn”, báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) nêu.
Đánh giá về triển vọng ngành Ngân hàng, VIS Rating cho rằng, đến cuối năm 2024 tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng của ngành sẽ giảm so với năm trước do tỷ lệ hình thành nợ xấu mới suy giảm và các ngân hàng giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc thu hồi hoặc xóa nợ.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank cho rằng, sự phục hồi của ngành Ngân hàng sẽ diễn ra rõ rệt trong nửa cuối năm nay. Với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất điều hành trong năm 2024 và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm, lợi nhuận trước thuế toàn nhóm ngân hàng niêm yết năm 2024 có khả năng tăng trưởng 15% so với năm trước đó, tương đương 293.650 tỷ đồng.
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 28/11/2024: Ồ ạt tăng lãi suất huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 27/11/2024: Thêm ngân hàng tăng mạnh lãi huy động
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 25/11/2024: Thêm ngân hàng tăng lần 2 trong tháng
- Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng