Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị tai nạn, chết thì được hưởng hỗ trợ ra sao?

Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024 | 13:52

Cho hỏi người trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị tai nạn, chết thì được hưởng hỗ trợ ra sao? - Thùy Dương (Long An)

Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị tai nạn, chết thì được hưởng hỗ trợ ra sao?

Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị tai nạn, chết thì được hưởng hỗ trợ ra sao? (Hình ảnh từ internet)

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bao gồm những ai?

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (khoản 2 Điều 2 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023).

Theo khoản 1 Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Điều kiện hưởng hỗ trợ của lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị tai nạn, chết trong khi làm nhiệm vụ

Theo quy định tại  khoản 1 Điều 6 Nghị định 40/2024/NĐ-CP, người được hưởng hỗ trợ thuộc trong các trường hợp sau:

- Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ.

- Trong khoảng thời gian và tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi thực hiện nhiệm vụ.

Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 40/2024/NĐ-CP, các trường hợp người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không được hưởng chính sách hỗ trợ khi bị tai nạn, chết lúc làm nhiệm vụ là:

- Không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 40/2024/NĐ-CP

- Cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

- Tai nạn do mâu thuẫn của chính bản thân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ;

- Tai nạn do sử dụng rượu, bia, sử dụng chất ma túy, chất hướng thần, tiền chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác theo quy định của pháp luật.

Mức hưởng hỗ trợ của lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị tai nạn chết trong khi làm nhiệm vụ

Căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định 40/2024/NĐ-CP thì mức hưởng hỗ trợ được quy định như sau:

- Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn hằng ngày, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi ổn định sức khỏe ra viện theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

- Trường hợp tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bị tai nạn chết trong khi làm nhiệm vụ

- Đối với đề nghị hưởng trợ cấp tai nạn, hồ sơ gồm: Đơn đề nghị trợ cấp tai nạn (Mẫu số 02 Phụ lục III kèm theo Nghị định 40/2024/NĐ-CP) kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế nơi đã cấp cứu, điều trị cấp; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên; trường hợp bị tai nạn giao thông thì có thêm biên bản của cơ quan Công an.

- Đối với đề nghị hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí, hồ sơ gồm: Đơn đề nghị trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí (Mẫu số 02 Phụ lục III kèm theo Nghị định 40/2024/NĐ-CP) kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú, bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử; trường hợp bị tai nạn giao thông dẫn đến chết thì có thêm biên bản của cơ quan Công an.

Khi các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin có trong thành phần hồ sơ quy định tại khoản này thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục phải khai thác trực tuyến để giải quyết mà không được yêu cầu người đề nghị cung cấp hồ sơ giấy.

Trình tự giải quyết hồ sơ hưởng hỗ trợ

- Người đề nghị được hưởng chế độ hoặc người đại diện hợp pháp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo một trong các hình thức quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 40/2024/NĐ-CP;

- Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện trình tự quy định để chi trả trợ cấp cho người bị tai nạn, thân nhân người đã chết;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định chi trả trợ cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả trợ cấp cho người bị tai nạn, thân nhân người đã chết; nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã do Công an huyện thực hiện chi trả; việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận tại cơ quan chi trả.

 Kinh phí để thực hiện chi trả chế độ, chính sách quy định nêu trên do ngân sách địa phương bảo đảm.

 Xem thêm chi tiết  Nghị định 40/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].