Lương hưu không tương xứng với giá trị đồng tiền thời điểm đóng BHXH?

Thứ bảy, ngày 11 tháng 6 năm 2022 | 8:15

Một số người cho rằng, cách tính lương hưu hiện nay khiến người lao động khi về già chỉ nhận được số tiền ít ỏi, không tương xứng với giá trị của đồng tiền tại thời điểm đóng bảo hiểm xã hội...

Ông Trương Sơn (trú tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hỏi: "Một số người dân mong muốn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vì cho rằng cách tính mức đóng - hưởng hiện nay khiến người lao động khi về hưu chỉ nhận được số tiền ít ỏi, không tương xứng với giá trị của đồng tiền thời điểm họ đóng vào do trượt giá, lạm phát … Ông/bà có thể phân tích thêm về điều này? Những trường hợp lương hưu quá thấp thì lý do chủ yếu do đâu?".

Vấn đề này, BHXH TP Đà Nẵng trả lời như sau:

Suy nghĩ này có thể là do người lao động chỉ nhìn vào kết quả tính lương hưu của một số trường hợp thấp điển hình. Thực tế, quy định của chính sách đã tính đến yếu tố lạm phát hay trượt giá đối với tiền lương đóng BHXH của người lao động.

Theo đó, không chỉ là mức tỷ lệ hưởng lương mà việc tính lương hưu còn đảm bảo "cộng" cả yếu tố lạm phát hay trượt giá trong suốt quá trình hưởng chế độ của người lao động. Nguyên tắc chung là đảm bảo thu nhập của người hưởng lương hưu cơ bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Lương hưu không tương xứng với giá trị đồng tiền thời điểm đóng BHXH? - 1

Người lao động làm thủ tục liên quan đến BHXH tại BHXH TP Đà Nẵng (Ảnh: K.O).

Cụ thể, khi mức lương hưu mỗi người nhận không phải là một khoản cố định trong suốt quá trình nghỉ hưu hưởng chế độ mà được điều chỉnh bởi nhiều yếu tố.

Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016.

Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi và người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Trong quá trình hưởng lương hưu, lương hưu của người lao động liên tục được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Dẫn chứng thực tế, năm 2022, dù tình hình kinh tế đất nước có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu có mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm.

Điều này cho thấy chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu, nhất là với người hưởng lương hưu với mức thấp.

Trong thực tế, có một số trường hợp hưởng lương hưu với mức hưởng thấp, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động đóng BHXH với mức đóng thấp, thời gian đóng BHXH chỉ đạt thời gian tối thiểu (20 năm). Và nhiều trường hợp là do người lao động nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định dẫn đến bị giảm trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (hiện nay, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, mức hưởng lương hưu sẽ bị giảm 2% đối với cả nam và nữ).

 

Nguồn https://dantri.com.vn/an-sinh/luong-huu-khong-tuong-xung-voi-gia-tri-dong-tien-thoi-diem-dong-bhxh-20220609165349532.htm