Lý do Gen X mắc ung thư nhiều hơn thế hệ bố mẹ

Thứ hai, ngày 1 tháng 7 năm 2024 | 10:34

Một nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) được chẩn đoán mắc ung thư nhiều hơn thế hệ ông bà, cha mẹ của họ.

Nhóm tác giả chia sẻ với The Post: “Kết quả nghiên cứu đề cập tới tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 người. Theo dự đoán và phân tích của chúng tôi, Gen X đang mắc ung thư nhiều hơn cha mẹ của họ”. Đây là nghiên cứu của các nhà thống kê sinh học tại Khoa Di truyền và Dịch tễ học Ung thư - Viện Ung thư Quốc gia Mỹ công bố trên JAMA Network Open.

Các nhà khoa học đã phân tích số ca ung thư mới được chẩn đoán ở thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1980), thế hệ bùng nổ dân số (1946-1964) và thế hệ im lặng (1928-1945).

“Sự gia tăng đáng kể mà chúng tôi xác định được ở thế hệ X so với các thế hệ trước đã làm chúng tôi ngạc nhiên”, các tác giả viết. 

ung thu 1a.jpg

Tầm soát sớm giúp mọi người có cơ hội phát hiện bệnh sớm hơn. Ảnh minh họa: Cpf

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những sáng kiến ​​​​y tế công cộng đã giúp số người hút thuốc giảm đáng kể trong khi các xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, đại trực tràng, cổ tử cung.  

Họ cho biết có vẻ như một số nguyên nhân khiến số ca ung thư cao hơn là tỷ lệ béo phì ngày càng tăng và lối sống ít vận động. Ngoài ra, hiện nay, có thể ghi nhận nhiều trường hợp bị ung thư hơn nhờ những tiến bộ y khoa và đổi mới trong chính sách tầm soát.

Nhóm tác giả kêu gọi giới khoa học tìm hiểu thêm về các nguyên nhân gây ung thư hiện nay.

Nghiên cứu trên 3,8 triệu bệnh nhân ung thư cho thấy tỷ lệ ung thư phổi và cổ tử cung ở phụ nữ Gen X đã giảm nhưng có sự gia tăng đáng kể về ung thư tuyến giáp, thận, trực tràng, nội mạc tử cung, đại tràng, tuyến tụy, buồng trứng, ung thư không Hodgkin, bệnh bạch cầu.

Ở nam giới Gen X có sự sụt giảm số ca ung thư không Hodgkin, ung thư phổi, gan và túi mật. Tuy nhiên, số ca ung thư tuyến giáp, thận, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và bệnh bạch cầu lại gia tăng. 

Các nhà nghiên cứu viết: “Phân tích của chúng tôi cho thấy thế hệ X đang mắc ung thư nhiều hơn cha mẹ họ. Lý do của sự gia tăng này là các yếu tố lối sống và mức độ phơi nhiễm ung thư. Mặt khác, nhờ sự đầu tư toàn cầu vào nghiên cứu ung thư, có rất nhiều cơ hội để giảm bớt gánh nặng bệnh tật trong tương lai”.

Các tác giả cho biết giảm sử dụng thuốc lá và rượu, tăng cường hoạt động thể chất, cải thiện thói quen ăn uống và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ ung thư.

Nếu mọi người không thực hiện các hành động phòng ngừa, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng “tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Mỹ có thể vẫn ở mức cao trong nhiều thập kỷ tới”.

Các nhà nghiên cứu chia sẻ họ có quá ít dữ liệu để đưa ra ước tính cho thế hệ Y (sinh từ năm 1981 đến năm 1996) sẽ chịu tác động của ung thư như thế nào khi họ bước qua tuổi 40.