Lý do Indonesia cấm Apple bán iPhone 16
iPhone 16 của Apple bị cấm bán tại Indonesia do các vấn đề liên quan đến cam kết đầu tư và giấy chứng nhận tỷ lệ nội địa hóa.
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita xác nhận, iPhone 16 bị cấm bán ở nước này cho đến khi Apple thực hiện các cam kết đầu tư và gia hạn giấy chứng nhận tỷ lệ nội địa hoá - TKDN.
Trả lời truyền thông địa phương trong sự kiện ngày 8/10, ông Agus cho biết: “iPhone 16 của Apple chưa thể bán ở Indonesia vì việc gia hạn chứng nhận TKDN vẫn đang chờ xử lý, cũng như chờ Apple thực hiện các khoản đầu tư tiếp theo”.
Indonesia cấm Apple bán iPhone 16 do liên quan đến giấy phép và đầu tư. Ảnh: indonesiasentinel
Theo Bộ trưởng, trước đây, Apple đã xin giấy chứng nhận TKDN nên được phép bán sản phẩm ở Indonesia. Tuy nhiên, giấy phép đã hết hạn và phải được gia hạn.
TKDN đề cập đến tỷ lệ nội địa hóa trong một hàng hóa hoặc dịch vụ. Để đạt được chứng nhận, hàm lượng nội địa trong các sản phẩm của Apple phải đáp ứng ít nhất 40% giá trị.
Ông Agus bổ sung, Apple cũng đã không thực hiện được các cam kết đầu tư với đất nước. Truyền thông trích lời bộ trưởng cho hay, “táo khuyết” mới đầu tư 1,48 nghìn tỷ rupiah (94,53 triệu USD), thấp hơn tổng mức cam kết (1,71 nghìn tỷ rupiah).
Nếu Apple thực hiện cam kết đầu tư của mình, chính phủ sẽ cho phép Apple bán iPhone 16 và các sản phẩm mới nhất tại thị trường. Ông Agus khẳng định tất cả những điều này nhằm tạo sự công bằng cho các nhà đầu tư.
Theo quy định liên quan đến tính toán giá trị hàm lượng địa phương trong các thiết bị điện tử của Bộ Công nghiệp Indonesia, Apple có thể đáp ứng yêu cầu TKDN thông qua ba chương trình.
Thứ nhất, chương trình sản xuất tại địa phương, đồng nghĩa các sản phẩm phải được sản xuất trong nước.
Thứ hai, chương trình ứng dụng địa phương, bao gồm phát triển các ứng dụng trong nước.
Thứ ba, chương trình phát triển đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo trong nước.
Theo trang tin Jakarta Globe, Apple chọn chương trình thứ ba để đạt được chứng nhận TKDN cần thiết. Nhà sản xuất iPhone đã thành lập ba học viện tại Tangerang, Sidoarjo và Batam.
Trong chuyến thăm của CEO Tim Cook vào tháng 4, công ty cũng đã công bố kế hoạch mở Học viện Apple thứ tư tại Bali.
Trong thời gian chờ đợi, người tiêu dùng Indonesia muốn mua iPhone 16 phải sang các nước láng giềng như Malaysia hay Singapore.
Tính toán của Bloomberg chỉ ra, cộng thêm thuế và phí đăng ký IMEI, mẫu iPhone 16 rẻ nhất từ Singapore về Indonesia có giá lên tới 18 triệu rupiah (28,6 triệu đồng).
(Theo CNA, Jakarta Globe)
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số
- Điện thoại Trung Quốc thách thức Samsung, Apple tại châu Âu
- Khóa tài khoản, xóa nội dung vi phạm trên Internet là kịp thời, cần thiết
- Doanh nghiệp Việt học hỏi được gì từ hành trình hồi sinh của gã khổng lồ Kodak?
- Ai cũng có thể là nạn nhân của deepfake khiêu dâm trong kỷ nguyên AI