Lý tưởng, khát vọng vươn lên chưa bao giờ nguôi trên đất nước này
Quốc gia lạc hậu thì sẽ bị xâm lăng, phát triển mới có thể tự cường. Lý tưởng, khát vọng lớn về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 khi đất nước tròn 100 tuổi cần được khơi dậy mạnh mẽ ngay từ lúc này.
Nhưng thực tế cho thấy, hàng trăm năm qua, những cá nhân và cả quốc gia hóa rồng hóa hổ thì đều do khát vọng mà thành. Khát vọng đủ lớn, ngọn cờ đủ cao chính là động lực mạnh mẽ nhất để mỗi cá nhân, mỗi tập thể và cả quốc gia vững tin trên con đường đi tới cường thịnh.
Việc khơi dậy lý tưởng đưa đất nước cường thịnh vào dịp 100 năm thành lập nước 2045 đúng dịp kỷ niệm 47 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) càng có ý nghĩa to lớn.
Xuất phát từ vấn đề quan trọng này, báo VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến “Lý tưởng người Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Chương trình diễn ra với 3 khách mời:
- Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội
VietNamNet trân trọng giới thiệu chương trình tới độc giả theo hai phần.
Phần I, các diễn giả khách mời chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của lý tưởng trong bối cảnh hiện nay và phần 2 là những gợi mở để lý tưởng biến thành hành động thường nhật trong mỗi người.
Mời độc giả theo dõi phần I của Bàn tròn trực tuyến tại video sau:
Nhà báo Phạm Huyền: Xin được mở đầu chương trình bàn tròn trực tuyến bằng một góc nhìn tổng quan về lý tưởng của người Việt hiện nay. Có lẽ, ngày nay nếu nói đến lý tưởng thì có thể có không ít người thờ ơ, thậm chí coi là vấn đề lạc lõng. Thưa ông Lê Hải Bình, xin ông nhận định như thế nào về vấn đề?
Ông Lê Hải Bình: Có lẽ do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, đặc biệt là đại dịch Covid-19 trong 2 năm gần đây, đời sống người dân trở nên khó khăn hơn. Cuộc mưu sinh của một bộ phận người dân vất vả hơn.
Trong bối cảnh đó, có thể có những suy nghĩ cho rằng, người dân nói chung, kể cả cán bộ và đặc biệt là giới trẻ phai nhạt lý tưởng, không có khát vọng. Nhưng tôi nghĩ, đó là nhận định võ đoán.
Trong quá trình công tác của mình, đi vào xã hội tìm hiểu người dân, đến từng nơi, từng xã, từng trường học, tiếp xúc với từng em sinh viên, tôi nhận thấy rằng, trong mỗi người dân Việt Nam, trong mỗi bạn trẻ, vẫn tràn đầy những khát khao.
Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ ý kiến tại bàn tròn trực tuyến (ảnh: Lê Anh Dũng)
Chúng ta hãy nhìn mỗi lần các đội tuyển thể thao Việt Nam, ở tất cả các môn thi đấu khác nhau giành được những thắng lợi trên đấu trường quốc tế, lòng người Việt Nam lại dấy lên một niềm tự hào dân tộc. Tiếp sau niềm tự hào đó là sự dấy lên niềm khát khao đạt được những thành tựu lớn hơn nữa. Đó là lý tưởng, đó là khát vọng.
Đơn cử như khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành được vị thế ở khu vực, ngay lập tức chúng ta có lý tưởng, khát vọng vươn tầm ra khu vực, rồi vươn ra tầm thế giới.
Hay trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chúng ta đạt được những giải ở tầm quốc tế và luôn khát khao chinh phục những đỉnh cao hơn nữa. Quả thực, chúng ta cũng đã làm được như vậy.
Tôi muốn nói rằng, lý tưởng, khát khao khôn nguôi trên đất nước này từ khi dựng nước.
Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên từ xưa đã nói lên rằng, lý tưởng và khát vọng lớn lao luôn chảy trong huyết quản của người Việt cho tới ngày nay.
Giờ đây, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh việc khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Suốt hơn 1 năm qua sau khi Đại hội diễn ra thành công rất tốt đẹp, câu chuyện về khát vọng, về lý tưởng cũng đang được dấy lên.
Tôi tin rằng, trong mỗi ngành nghề, đều có cách thức để kích hoạt lý tưởng đó.
Nhà báo Phạm Huyền: Là vị hiệu trưởng thứ 13 của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng hẳn là người thấu hiểu về khát vọng, lý tưởng của thế hệ trẻ. Xin thầy chia sẻ góc nhìn của mình?
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông Lê Hải Bình. Xin minh hoạ thêm vài điều.
Trong lịch sử con Rồng cháu Tiên, ông cha chúng ta lên rừng xuống biển để phát triển cuộc sống của mình.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, các em sinh viên cùng các thầy cô vẫn miệt mài học tập, vượt qua mọi khó khăn. Rất nhiều sáng kiến của các em, của các thầy cô đã được áp dụng đảm bảo được cuộc sống học tập bình thường. Những sáng kiến đó nhiều khi đến bất chợt. Điều đó minh chứng cho một khát vọng luôn mong muốn vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Nếu không có khát vọng, chúng ta đã buông xuôi theo khó khăn.
Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta cần những nghiên cứu khoa học, đưa ra các giải pháp nhanh để đưa ngay vào cuộc sống, giảm thiểu khó khăn ngay lập tức. Tôi nhìn thấy các thầy các cô, các em sinh viên đã miệt mài nghiên cứu, làm ra những bình oxy để phục vụ cho công tác chống dịch, làm ra những máy thở đáp ứng yêu cầu của các bệnh viện, giải quyết bài toán điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ ý kiến tại bàn tròn trực tuyến (ảnh: Lê Anh Dũng)
Chúng tôi thấy rõ khát vọng chinh phục mọi thách thức do dịch bệnh đặt ra, thể hiện bản lĩnh của người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ, các nhà tri thức. Điều đó cũng chứng tỏ khát vọng luôn luôn muốn vươn lên của người Việt.
Một điều tôi rất tâm đắc là, trong khó khăn dịch bệnh đó, người Việt chúng ta luôn chia ngọt sẻ bùi. Chẳng hạn như thời điểm các em sinh viên bị kẹt lại ở Hà Nội (do tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội – PV), đó là sự quan tâm giữa các em sinh viên với nhau, của các thầy cô giáo với các sinh viên…
Nhà báo Phạm Huyền: Thực tế cho thấy, ngay trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, đã xuất hiện không ít những người khi bị giặc giết họ vẫn hiên ngang mỉm cười, hay như hàng trăm trí thức người Việt đang có cuộc sống rất tốt đẹp bên Pháp đã sẵn sàng trở lại đất nước khi nghe lời hiệu triệu kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người này làm được những việc lớn lao ấy là do họ có lý tưởng, lý tưởng này là độc lập dân tộc.
Thưa ông Nguyễn Huy Dũng, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Tôi cho rằng, khi chúng ta có lý tưởng, có khát vọng lớn thì những khó khăn sẽ trở nên nhỏ lại. Khó khăn nhỏ lại làm cho chúng ta bình thản hơn khi phải đương đầu với những khó khăn, thách thức đó. Tôi nghĩ, điều đó tạo động lực cho chúng ta làm mọi việc tốt hơn.
Nhà báo Phạm Huyền: Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng là người chủ trì triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Vậy, ông cảm nhận như thế nào về lý tưởng của đội ngũ doanh nghiệp công nghệ?
Ông Nguyễn Huy Dũng: Từ trong sâu thẳm mỗi con người, luôn có một lý tưởng, luôn có một khát vọng vươn lên mãnh liệt. Điều đó đã được duy trì từ hàng ngàn đời nay của người Việt Nam chúng ta.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cảm nhận rõ những khát vọng và lý tưởng đó ở cộng đồng doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.
Chúng ta làm ra những sản phẩm không phải chỉ để giải quyết nỗi đau của Việt Nam mà còn hướng tới xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền (ảnh: Lê Anh Dũng)
Tuy nhiên đôi khi, như ông Lê Hải Bình nói, trong cuộc sống mưu sinh, đôi khi vì những thứ trước mắt khiến tạm thời ai đó chưa chưa nhớ đến. Nhưng trong sâu thẳm mỗi người, luôn có lý tưởng. Sớm hay muộn, rồi mọi người đều quay trở lại nền tảng khát vọng, lý tưởng của mình.
Với doanh nghiệp, việc đầu tiên là phải tồn tại và có lợi nhuận. Vì thế, tôi nghĩ không nên đặt nặng ngay vấn đề này với các doanh nghiệp. Sau khi tồn tại và có lợi nhuận rồi, tự khắc, các doanh nghiệp ấy sẽ có những khát vọng cống hiến lớn hơn.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Lê Hải Bình, chúng ta đã xác định rằng, trong tâm khảm mỗi người Việt Nam đều có sẵn lý tưởng. Có lý tưởng, có niềm tin là có sức mạnh phi thường để vươn lên. Vậy, ông nhìn nhận thế nào về tầm quan trọng của phải luôn khơi dậy, theo đuổi và hun đúc lý tưởng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay?
Ông Lê Hải Bình: Trước khi nói về bối cảnh hiện nay, tôi muốn chúng ta quay ngược lại thời gian.
Đất nước chúng ta từ khi dựng nước và trong suốt quá trình giữ nước, đã đứng trước những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua được. Đó là những thách thức mà có những quốc gia, dân tộc đã không vượt qua được.
Ví dụ, chúng ta có 1.000 năm Bắc thuộc. Với các quốc gia, dân tộc khác, nếu với khoảng thời gian đó thì có lẽ đã biến mất.
Hoặc đứng trước kẻ thù ngoại xâm hàng đầu thế giới, đã chinh phục được những nước lớn hơn ta, nhưng dân tộc ta vẫn đứng vững.
Trong Thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đi qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng là trước những kẻ thù rất sừng sỏ.
Điều để dân tộc Việt Nam đứng vững được trước các thách thức đó, đúng như chị đã nêu, vì chúng ta đã khơi dậy được khát vọng độc lập dân tộc. Hiện nay, khát vọng độc lập dân tộc này rất lớn trong mỗi con người Việt Nam.
Bác Hồ đã nói, dân ta có lòng yêu nước nồng nàn. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần đó lại biến thành làn sóng mạnh mẽ, sôi nổi nhấn chìm mọi kẻ thù.
Từ khi có Đảng, câu chuyện không chỉ nằm ở độc lập dân tộc. Chúng ta phất cao ngọn cờ là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tại sao lại là chủ nghĩa xã hội?
Chúng ta nhớ lại, đã có nhiều con đường, cách thức để tìm kiếm độc lập dân tộc vào đầu thế kỷ XX. Nhưng chỉ khi Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường chủ nghĩa xã hội thì chúng ta mới có thể giành lại được độc lập dân tộc tự do. Điều quan trọng là, Bác đã phát hiện ra rằng, chỉ có con đường chủ nghĩa xã hội mới giải quyết được triệt để độc lập tự do.
Độc lập tự do không chỉ là giải phóng dân tộc, mà còn là giải phóng con người, là mang lại tự do, hạnh phúc cho con người, mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân tộc.
Cho đến lúc này, câu chuyện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là câu chuyện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải làm sao khơi dậy được khát vọng hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là khát vọng đưa đất nước tới một vị thế đàng hoàng, xứng đáng trên trường quốc tế. Tôi nghĩ rằng, khơi dậy được tinh thần đó có tầm quan trọng vô cùng lớn lao, kích hoạt sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nói tới sức mạnh nội sinh. Lịch sử cũng đã chứng minh, sức mạnh nội sinh của dân tộc ta lớn lao vô cùng. Chúng ta nhấn mạnh lý tưởng đó, ngọn cờ đó, mục tiêu đó thì chúng ta sẽ khơi dậy được sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Toàn cảnh bàn tròn trực tuyến “Lý tưởng người Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tại trường quay của báo VietNamNet
(Đón xem phần 2: Hãy làm lại một lần nữa)
Nguồn vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ly-tuong-khat-vong-vuon-len-chua-bao-gio-nguoi-tren-dat-nuoc-nay-2014173.html
- TS Nguyễn Trí Hiếu: Thận trọng, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
- Chậm tiêu tiền công và chuyện dám nghĩ, dám làm
- Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch phải vượt lên trên lợi ích cục bộ địa phương
- Chống tham nhũng: Nhớ vụ án hối lộ 1 ngày nghỉ mát, 2 con gà
- “500 tấn vàng” trong dân cần khuyến khích đưa vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
- Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
- Lao động trẻ, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, lương tới 20 triệu