Mang bình an về cho mẹ!
Những ngày cuối năm, thấy bạn bè chia sẻ rần rần trên trang cá nhân bài hát của Đen Vâu “Mang tiền về cho mẹ”, khiến cảm xúc nhớ nhà, nhớ mẹ như càng thôi thúc tôi.
Lại nói về những năm trước, tầm này, nhiều người đã chuẩn bị lĩnh lương, thưởng cuối năm, đang háo hức mang tiền về biếu bố mẹ sắm Tết rồi.
Chiều tháng Chạp, tôi ghé thăm người chị họ đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Dãy nhà trọ của chị nằm trong con ngõ rộng trên đường Lê Đình Cẩn, Bình Tân, những ngày cuối tuần thường náo nhiệt, nay cũng vắng lặng hơn. Tầm này của những năm trước, cả “xóm công nhân” đã chộn rộn cho kế hoạch về quê ăn Tết. Thấy tôi thắc mắc, chị bảo: “Mọi người phần lớn vẫn đi làm, làm bù cho những tháng ngày nghỉ dịch vừa qua. Nghỉ gần nửa năm rồi, Tết nhứt gì nữa”.
Tôi biết, chị nói như thế cũng để động viên chính mình, cho vơi đi nỗi nhớ nhà thôi. Chỉ còn vài tuần nữa là Tết rồi, ai mà không nhớ quê, nhớ mẹ? Bản thân tôi cũng thế, vào TPHCM lập nghiệp gần 20 năm, có nhà cửa, con cái bên cạnh, nhưng cứ Tết đến là lại muốn được về quê.
Năm nay, mặc dù các tỉnh có nhiều khu công nghiệp phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… không kêu gọi công nhân hạn chế di chuyển, cũng không còn là những đợt giãn cách kéo dài, nhưng nhiều lao động khi được hỏi vẫn cho biết, họ sẽ không về quê ăn Tết.
Không ai than vãn, kêu phiền, nhưng hầu như ai cũng hiểu, năm 2021 vừa qua, cả doanh nghiệp và người lao động đều bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Đợt giãn cách những tháng qua đã “bòn rút” hết những đồng tiền ít ỏi cuối cùng của công nhân, lao động tự do. Thậm chí, nhiều người không trụ được đã phải rời bỏ thành phố về quê. Những người ở lại hoặc vừa trở lại thành phố, cũng chỉ mới đi làm được khoảng 3 tháng nay.
“Không có tiền để về thăm mẹ đã đành rồi, cũng không muốn mang phiền phức về cho người thân. Hiện, mỗi địa phương có một quy định phòng, chống dịch khác nhau, vẫn còn nhiều nơi yêu cầu người về từ các tỉnh phía Nam phải xét nghiệm, khai báo và cách ly y tế tại nhà. Mình về, không ai dám đến nhà mình chơi Tết, bố mẹ mình cũng không được đi chúc Tết…”, Tuân, đang làm việc tại Bình Dương chia sẻ khi tôi hỏi chuyện về Tết.
Có lẽ, chưa bao giờ mọi người lại ở vào hoàn cảnh khó khăn như thế khi quyết định về quê hay ở lại nhà trọ vào mùa Tết. Tôi hiểu, cảm giác không có tiền để về quê ăn Tết với cha mẹ, thật không dễ chịu chút nào. Vẫn biết thiên tai, dịch bệnh là bất khả kháng, nhưng mỗi lần nghĩ đến, vẫn thấy khoé mắt cay cay.
Chợt nghĩ, làm gì cho những phận đời công nhân bớt tủi thân khi ăn Tết xa nhà? Làm gì để họ vẫn cảm nhận được sự ấm áp của không khí Tết đoàn viên? Làm gì để những đứa trẻ phải ở quê cùng ông bà khi bố mẹ đi làm ăn xa có thêm hộp bánh, gói kẹo?... Rất cần những tấm lòng từ các chủ doanh nghiệp, sự quan tâm từ công đoàn và từ chính quyền địa phương.
Vậy nên, nói một cách lạc quan như Tuân, trước mắt không có điều kiện về Tết với mẹ, sum vầy bên gia đình thì mong dịch bệnh sớm qua, mong có công ăn việc làm ổn định.
Nguồn Tienphong.vn
https://tienphong.vn/mang-binh-an-ve-cho-me-post1407019.tpo
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay