Mở cửa du lịch, rồi sao?
15 ngày nữa, Chính phủ sẽ cho phép mở cửa du lịch quốc tế, từ 15/3.
Đây là cột mốc quan trọng, mang lại rất nhiều hy vọng cho những người làm du lịch sau hai năm dài khó khăn. Mở cửa du lịch quốc tế nghĩa là doanh nghiệp được chủ động lên kế hoạch đón khách vào Việt Nam (inbound) và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài (outbound) như trước đây mà không phải lo lắng bất kỳ rào cản hạn chế nào nữa.
Khỏi phải nói, chúng tôi hứng khởi chờ đợi ngày này như thế nào.
Thế nhưng, khi nhìn vấn đề với con mắt thận trọng và nhiều hoài nghi hơn, tôi tự hỏi liệu mở cửa trở lại du lịch quốc tế sau chừng đó thời gian có dễ dàng như vậy; điều gì sẽ chờ đợi chúng tôi sau sự hứng khởi ban đầu.
Mở cửa trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đã hoặc đang tiến hành nối lại bình thường du lịch quốc tế đồng nghĩa Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh sòng phẳng mà ở đó ai chuẩn bị kỹ càng và đầu tư tốt hơn, sẽ nắm trong tay lợi thế. Khi lợi thế về khả năng quay lại sớm hơn nhờ hiệu quả chống dịch đã không còn, chìa khóa quyết định nằm ở nội lực của ngành du lịch Việt Nam, từ điểm đến tới doanh nghiệp.
Nhìn cách Thái Lan chuẩn bị cho sự trở lại, tôi thấy áp lực cạnh tranh đè nặng.
Khác với Việt Nam, mới thí điểm đón khách quốc tế trong những tháng cuối năm 2021, Thái Lan bắt đầu thử nghiệm đón khách quốc tế từ giữa tháng 7/2021 thông qua mô hình Phuket Sandbox. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp thời điểm đó, nhờ các giải pháp chiến lược rõ ràng và cụ thể của Phuket Sandbox, ngành du lịch Thái Lan đã nắm giữ được bài học quan trọng nhất, là biết cách vận hành như thế nào để vừa bảo đảm an toàn, vừa hài lòng du khách. Chỉ tính riêng ở Phuket, du lịch Thái Lan đã kịp đón hơn 28.000 lượt khách và thu về ít nhất 48 triệu USD trong hai tháng triển khai thí điểm.
Nhờ đó, du lịch Thái Lan nhanh chóng nhân rộng mô hình tương tự ra các địa phương khác và dần mở cửa trở lại toàn bộ ngành du lịch trên toàn quốc từ đầu tháng 2 năm nay, thông qua chương trình Test&Go. Song song với tuyên bố mở cửa, Thái Lan cũng có chiến lược thị trường rõ ràng và phù hợp với giai đoạn mới: chuyển hướng sang thị trường khách cao cấp bằng những ưu đãi, sản phẩm đặc thù thay cho các thị trường khách truyền thống trước đó. Thậm chí, họ còn mạnh dạn đẩy mạnh chương trình cư trú dài hạn hướng đến thị trường công dân toàn cầu thu nhập cao, những người về hưu và các chuyên gia cao cấp, để đón đầu xu hướng mới của thế giới.
Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021 ở Phú Quốc, sau đó mở rộng ra các địa phương Khánh Hòa và Quảng Nam. Tính đến tháng 1/2022, tức là sau gần ba tháng triển khai, chúng ta đón được 8.900 khách quốc tế.
Du lịch Việt Nam đạt thành tựu được đánh giá là "thần kỳ" trong giai đoạn 2016-2019. Đặc biệt, năm 2019, toàn ngành đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (cao nhất từ trước tới nay), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Nhưng những người trong ngành như chúng tôi đều thấy rõ bên cạnh thành công đó, tồn tại những bất cập cần thẳng thắn nhìn nhận: Phụ thuộc nghiêm trọng vào một số ít thị trường; Chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế; Sản phẩm du lịch nghèo nàn; Truyền thông thương hiệu kém hiệu quả.
Trong giai đoạn tăng trưởng nóng, đang trên hành trình thành công, sẽ không dễ dàng cho nhà quản lý quyết định làm mọi thứ chậm lại để giải quyết những bài toán tử huyệt từ bên trong như thế này.
Chúng tôi đã hy vọng, hai năm Covid vừa qua là một khoảng nghỉ cần thiết sau một giai đoạn tăng trưởng nóng để ngành du lịch Việt Nam tập trung giải quyết những tồn tại lớn, tái cấu trúc hệ thống du lịch để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới, khó khăn hơn rất nhiều.
Hai năm qua, tôi đã tham gia rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp phục hồi du lịch. Thế nhưng, như tôi quan sát, sau tất cả, những vấn đề đó đến nay vẫn chỉ dừng lại ở những câu chuyện nói trong phòng hội nghị, hay tốt hơn nữa là được đặt ra như những điều cần xem xét trên những bản thảo. Chưa một điều gì được thật sự giải quyết triệt để.
Khi các "rào cản kỹ thuật" đã không còn, nhiệm vụ tiếp theo của câu chuyện đón khách quốc tế sẽ là vấn đề của chính ngành du lịch.
15 ngày nữa, chúng ta mở cửa.
Khách du lịch chắc chắn quay trở lại nhưng sẽ theo một cách hoàn toàn khác biệt. Thị trường đang thay đổi hàng ngày. Ngành du lịch ở quốc gia từng là một trong những điểm đến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới thời điểm cách đây hai năm sẽ phải sẵn sàng với vô vàn yêu cầu mới từ du khách, về truyền thông, sản phẩm và chất lượng dịch vụ trong bối cảnh hoàn toàn mới. Đây là khối lượng công việc khổng lồ mang tính chiến lược, đòi hỏi không chỉ một mà cần sự hợp tác của rất nhiều bên liên quan trong ngành.
Không thể chỉ trông chờ vào tiềm năng sẵn có của đất nước. Chỉ khi giải quyết được các tử huyệt nội tại của ngành, du lịch Việt Nam mới đi được những bước dài sau mở cửa.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/mo-cua-du-lich-roi-sao-4433092.html
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay