Mở mà chưa thông
Tròn một tuần lễ du lịch Việt Nam chính thức mở cửa từ 15/3, khơi thông dòng chảy du lịch bị tắc nghẽn sau hơn hai năm COVID-19 đổ bộ.
Tín hiệu vui cho những người làm du lịch khi khách quốc tế muốn du lịch Việt Nam, chỉ tiếc rằng còn một số trở ngại khiến chủ trương mở cửa chưa thật sự được thông suốt.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, điều lo lắng nhất của doanh nghiệp không phải đầu tư hạ tầng, cũng chẳng phải là lo ngại về nhân sự thiếu hụt (hoàn toàn có thể sớm bù đắp). Điều trăn trở nhất của doanh nghiệp là nỗi lo không có khách. Mở cửa rồi đấy nhưng khách vẫn thưa vắng trong thời điểm này là điều đã được tiên liệu. Nhưng về lâu dài, câu chuyện hút khách cần được bàn thảo thật thấu đáo.
Những ngày qua, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn bè quốc tế về việc mở lại hoạt động du lịch của Việt Nam. Họ liên lạc với chúng tôi (Hội đồng Tư vấn du lịch-TAB) qua thư điện tử, trên Facebook, thậm chí là gọi điện thoại bày tỏ không ít thắc mắc, tâm tư. Khách du lịch thông thường thì lo lắng không biết đến Việt Nam có cần trình ra chứng nhận tiêm chủng, “hộ chiếu vắc xin” hay không. Một hãng lữ hành quốc tế ở Sri Lanka chẳng hạn lại gọi điện hỏi chuyện cấp visa cho khách đến Việt Nam được chưa. Họ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại nhưng nhận được câu trả lời “chờ thêm thời gian nữa vì chưa nhận được hướng dẫn”.
Du khách, các hãng du lịch và truyền thông quốc tế đang “đói” thông tin về việc Việt Nam mở cửa. Do đó, chúng ta cần công bố rộng rãi kế hoạch mở cửa trên thế giới nói chung và đặc biệt cho các thị trường trọng điểm. Họp báo quốc tế hoặc các cuộc phỏng vấn với các hãng thông tấn quốc tế quan trọng theo hình thức trực tuyến là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm để truyền đi thông điệp Việt Nam chào đón khách quốc tế quay lại.
Ngành du lịch đã truyền thông trong nước rất tốt về câu chuyện mở cửa, tới đây còn có thể làm tốt hơn khi công bố sâu rộng hơn nữa với quốc tế. Trang web vietnam.travel nên được sử dụng như cổng thông tin chính thức cung cấp các thông tin cập nhật và chính xác nhất về du lịch Việt Nam cho thị trường quốc tế. Trong thời kỳ 4.0, chẳng tội gì mà Việt Nam không tận dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram…) để giao tiếp, tương tác và có thể sẵn sàng trả lời câu hỏi từ các nhà báo và khách quốc tế. Thậm chí ta nên học hỏi các nước bạn, họ sẵn sàng cung cấp cho du khách quốc tế email và điện thoại đường dây nóng để giải đáp mọi thắc mắc.
Đại dịch làm thay đổi hành vi của du khách trên toàn cầu: muốn đi theo nhóm nhỏ, tìm sản phẩm mới và an toàn. Rõ ràng các đối tác quốc tế cũng cần thông tin, cần sản phẩm mới để giới thiệu tới du khách. Ngành du lịch cần xây dựng thư viện các video clip và ảnh quảng bá xúc tiến du lịch với những thông điệp thật rõ ràng. Các địa phương và các doanh nghiệp du lịch khi thực hiện các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch có thể dễ dàng sử dụng các tài nguyên ảnh và video từ thư viện này.
Việc mở cửa du lịch Việt Nam có thể đòi hỏi nhiều bước thử và có thể đôi chỗ chưa chuẩn, thế nhưng chúng ta cần đưa ra quyết định nhanh chóng để giải quyết các vấn đề phát sinh. Chúng tôi đề nghị thành lập một Tổ công tác đặc biệt bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành và một số doanh nghiệp lớn để họp bàn thường xuyên, cùng với một Ban thư ký năng động để phát hiện kịp thời các điểm nghẽn, để tránh những sai lầm nghiêm trọng và tránh giải quyết chậm trễ.
Cánh cửa giao thương, du lịch đã rộng mở. Việc quan trọng nhất bây giờ là gỡ những nút thắt, tích cực quảng bá xúc tiến để khách có thể dễ dàng quay lại Việt Nam, sớm lấy lại đà tăng trưởng.
Nguồn Tienphong.vn
https://tienphong.vn/mo-ma-chua-thong-post1425156.tpo
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm