Mở rộng hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc

Thứ sáu, ngày 9 tháng 9 năm 2022 | 16:26

Trong chương trình công tác tại Nhật Bản, sáng 8/9 , Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đến thăm và làm việc với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka, một đối tác của Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác tham quan 1 Viện dưỡng lão kiểu mẫu của Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe Osaka.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác tham quan 1 Viện dưỡng lão kiểu mẫu của Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe Osaka.

Trước đó, năm 2019, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giao Trung tâm Lao động ngoài nước trực tiếp ký Thoả thuận hợp tác với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka, Nhật Bản.

Đây là chương trình phi lợi nhuận, chi phí thấp, chính sách tuyển chọn công bằng, minh bạch, được đào tạo nghề, ngoại ngữ kỹ lưỡng, có chất lượng.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch Covid-19, đầu năm 2022, 14 thực tập sinh đầu tiên đã được làm thủ tục xuất cảnh sang làm việc tại Hiệp hội.

Theo ông Takeshima Tenmi, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm Lao động ngoài nước.

Để chuẩn bị cho những đợt tiếp nhận thực tập sinh trong thời gian tới, Hiệp hội đã hoàn thành việc xây dựng khu ký túc xá và đặt tên là Ký túc xá Hà Nội.

Ngoài ra, Hiệp hội còn tạo nhiều sân chơi mới để thực tập sinh nhanh chóng làm quen với văn hoá Nhật Bản.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự hợp tác của Hiệp hội, nhất là vai trò quan trọng của Chủ tịch Takeshima Tenmi trong thời gian qua.

Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng 2 bên đã nỗ lực để đưa được 14 thực tập sinh khoá 1 đến Nhật Bản làm việc từ đầu năm 2022 là cố gắng rất lớn.

Để chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao hơn nữa, Bộ trưởng lưu ý, đây là chương trình hợp tác có ý nghĩa nhân văn, là chương trình phi lợi nhuận nên cần phải tăng cường sự minh bạch, công bằng trong tuyển dụng.

 

Bên cạnh đó cần quan tâm đặc biệt đến đời sống văn hoá, tinh thần cho các thực tập sinh vì đặc thù của ngành hộ lý là tuyển dụng thực tập sinh nữ, công việc nhiều vất vả nên càng phải quan tâm hơn bên cạnh việc bảo đảm các chế độ tiền lương, thu nhập.

Cũng trong chương trình làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác có các cuộc làm việc với các chính khách tỉnh Osaka và các nghiệp đoàn đến chào xã giao.

Tại buổi làm việc với nghị sĩ Mita Katsuhisa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của nghị sĩ Mita Katsuhisa đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản nói chung, quan hệ hợp tác phát triển nguồn nhân lực nói riêng.

Thời gian qua, nghị sĩ Mita Katsuhisa đã luôn thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa 2 bên, trong đó có phát triển hợp tác nhân lực, theo đó, đã xúc tiến để một số nghiệp đoàn lớn có nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam ký kết hợp tác trong việc đào tạo, tiếp nhận thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản làm việc, gần đây nhất là ký kết hợp tác với Đại học Đà Nẵng trong việc đào tạo hộ lý, điều dưỡng viên đưa đi thực tập tại Nhật Bản.

“Với bề dày kinh nghiệm 5 nhiệm kỳ là nghị sĩ, ngài đã có những đóng góp quan trọng trong việc góp ý cải tiến các chính sách tiếp nhận thực tập sinh của Nhật Bản, bên cạnh đó đã hỗ trợ rất nhiều cho thực tập sinh Việt Nam đến Osaka làm việc, quan tâm bảo vệ, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho thực tập sinh Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Trao đổi về hướng hợp tác nhân lực trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện không chỉ Nhật Bản thiếu hụt nguồn nhân lực, ở Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn nguồn nhân lực phục vụ phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết, lấy mục tiêu phát triển con người là trọng tâm, là yếu tố quan trọng của mỗi quốc gia.

Trong các tiếp xúc với người đồng cấp của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội luôn nhấn mạnh đến việc điều chỉnh chính sách, mở rộng quy mô, phạm vi tiếp nhận, song song đó là tăng cường các yếu tố văn hoá để việc hợp tác đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu trong 5 đến 7 năm tới, số người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản có thể đạt 1 triệu người.