Mở rộng tiềm năng xuất khẩu trà Lai Châu sang Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á
Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ trà lớn trên thế giới. Một số sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực này và được đánh giá có tiềm năng lớn để mở rộng xuất khẩu.
Đông đảo các diễn giả trong và ngoài nước tham gia Hội thảo.
Ngày 15/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thảo “Tăng cường xuất khẩu sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự sự kiện, có đại diện các cục, vụ của Bộ Ngoại giao, các đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lai Châu, các doanh nghiệp sản xuất trà của tỉnh Lai Châu và các đối tác nhập khẩu, cũng như đại diện các cơ quan ngoại giao của các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, sự kiện lần này được tổ chức nhằm quảng bá và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu đến các quốc gia trong khu vực; đồng thời tìm kiếm các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững ngành trà của tỉnh Lai Châu.
Khách tham quan các gian trưng bày sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu.
Lai Châu là tỉnh biên giới nằm ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam, được biết đến là một trong những vùng trồng và sản xuất trà trọng điểm với diện tích trồng trà lớn, sản phẩm trà đa dạng, chất lượng cao, có nhiều thương hiệu mạnh, đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, châu Âu,…
Tỉnh Lai Châu hiện có gần 9 nghìn ha chè với các giống đa dạng như chè cổ thụ, Shan Tuyết, Kim Tuyên, PH8... tập trung tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu, Phong Thổ, Sìn Hồ; trong đó nhiều diện tích được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn như VietGAP, RA. Hằng năm, tỉnh Lai Châu sản xuất ra gần 10 nghìn tấn sản phẩm trà với nhiều mẫu mã đa dạng như Trà CTC BOP, trà CTC BP, trà CTC PD, trà CTC PF, trà xanh sao lăn, trà xanh duỗi, trà ô long, matcha, sencha, đông phương mỹ nhân, hồng trà..
Trong khi đó, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á là khu vực tập trung nhiều quốc gia là các nước bạn bè truyền thống, đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Việt Nam. Khu vực này đồng thời là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ trà lớn trên thế giới, nơi thói quen uống trà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống hằng ngày của người dân.
Sản phẩm trà của Lai Châu được đánh giá là phù hợp và có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Hiện nay, một số sản phẩm trà của tỉnh đã xuất hiện tại các thị trường Trung Đông và Nam Á, được người tiêu dùng tại các nước như Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… đón nhận tích cực.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng hoạt động xuất khẩu trà của Việt Nam sang khu vực còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Xuất khẩu trà của tỉnh Lai Châu đến khu vực này hằng năm mới chỉ đạt khoảng hơn 6 triệu USD, trong khi quy mô thị trường có tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD. Các đại biểu đánh giá, nguyên nhân chủ yếu khiến lượng xuất khẩu trà của Việt Nam sang khu vực chưa cao là do hai bên còn thiếu thông tin về nhau, cũng như các kênh kết nối doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả thực sự.
Các sản phẩm trà của Lai Châu được đánh giá có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho biết, với vùng nguyên liệu chè rộng, sản phẩm trà phong phú, song việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trà của tỉnh Lai Châu còn gặp một số khó khăn. Đó là việc xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận cho vùng nguyên liệu và các sản phẩm chưa được nhiều; công nghệ chế biến chậm đổi mới; thị trường tiêu thụ nhiều thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cước phí vận tải tăng cao,….
Tại hội thảo, các đại sứ, đại biện, tùy viên và tham tán thương mại các nước Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á, các đối tác nhập khẩu trà tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á cũng đã trao đổi, giới thiệu về thị hiếu, nhu cầu và các tiêu chuẩn về sản phẩm trà của các thị trường khu vực.
Hội thảo cũng nhận được được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ về các giải pháp nhằm phát triển ngành trà, kết nối doanh nghiệp sản xuất trà của tỉnh Lai Châu với các đối tác nhập khẩu trong và ngoài nước, nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra các sản phẩm trà có chất lượng cao và mở rộng được thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, mà trong đó trọng tâm là các nước Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.
Nguồn https://nhandan.vn/chuyen-lam-an/mo-rong-tiem-nang-xuat-khau-tra-lai-chau-sang-trung-dong-bac-phi-va-nam-a-701414/
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine