Một Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới
Trước đây, các cơ quan chức năng từng bàn thảo, góp ý dự án Luật Chuyển đổi giới tính; nay, một Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình lập pháp dự án Luật Bản dạng giới có nội dung tương tự.
Cổng thông tin điện tử Quốc hội vừa công bố dự thảo đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới để lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo đề nghị được xây dựng bởi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.
Ông Trí có nhiều năm công tác trong ngành y và từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Theo tờ trình đề nghị xây dựng luật của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, bản dạng giới là một cảm nhận tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ.
Nhận thức giới tính của một người không nhất thiết dựa trên giới tính sinh học hoặc giới tính được người khác cảm nhận và cũng không phải là thiên hướng tình dục.
Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam hoặc không phải nam không phải nữ. Người chuyển giới là người có bản dạng giới không trùng với giới tính sinh học khi sinh ra.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: PT |
Theo ông Trí, từ sau khi Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” (Điều 37), đến nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để cá nhân có thể chính thức hiện thực hóa quyền này trên thực tế. Cũng không có văn bản pháp luật nào quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính; thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục và thay đổi giấy tờ, hộ tịch liên quan đối với người chuyển giới...
Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định cụ thể về chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới. Ngoài ra chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.
Theo đề xuất lập pháp của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, đạo luật cần khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân; khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của một công dân; đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân với các dạng giới truyền thống thông thường khác.
Quan điểm khi xây dựng dự luật này là thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người. Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền con người; cụ thể hóa Điều 16, Điều 20, Điều 38 của Hiến pháp năm 2013 về quyền không bị phân biệt đối xử trong xã hội, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm và có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Dự luật cần bảo đảm xây dựng điều kiện pháp lý minh bạch, khả thi, thuận tiện cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến quyền con người; phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính khi sinh được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn; thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính; chống phân biệt đối xử và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo dự thảo đề cương chi tiết, luật có 5 chương và 27 điều. Phạm vi điều chỉnh của luật này quy định về bản dạng giới; việc thực hiện quyền được công nhận bản dạng giới của công dân; điều kiện và trình tự, thủ tục để thực hiện quyền này; việc can thiệp y học đối với người chuyển giới.
Trong đó, điều kiện để cá nhân được đề nghị công nhận bản dạng giới gồm: Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, độc thân và không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.
Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật bản dạng giới được lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15-2-2023.
Đại biểu Quốc hội có quyền hiến định về trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ở nhiệm kỳ trước, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh từng trình và được chấp thuận chủ trì xây dựng Luật Hành chính công. Tuy nhiên, dự án này phải dừng lại giữa chừng do không đảm bảo yêu cầu để trình ra Quốc hội. Còn với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đề xuất về Luật Bản dạng giới của ông được đưa ra ở thời điểm Bộ Y tế cũng đang đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một dự án lập pháp tương tự - Luật Chuyển đổi giới tính. |
Nguồn: https://plo.vn/
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước
- Vụ máy bay rơi tại Bình Định: Đã liên lạc được với cả hai phi công
- Hỗ trợ 5 nghìn công nhân, lao động Thủ đô về quê đón Tết