Một năm Biden cầm quyền: Hồi sinh lớp trung lưu, chia rẽ trong lòng nước Mỹ
Ngày 20/1/2021, ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ trong tình thế khá ngặt nghèo. Sự cáo buộc gian lận từ Trump và những người ủng hộ với kết quả bầu cử chưa chấm dứt, nước Mỹ chia rẽ.
Những di sản của “nước Mỹ trên hết” trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump trước đó cũng để lại những khó khăn. Đánh giá 1 năm cầm quyền vừa qua của Joe Biden, có những thành tựu và thách thức về các vấn đề trong nước cũng như chính sách đối ngoại.
Củng cố cơ sở cầm quyền
Làm thế nào để đáp ứng hiệu quả nhu cầu về kinh tế và an ninh của người dân Mỹ, đặc biệt là giai cấp công nhân và tầng lớp lao động, cũng như củng cố cơ sở cầm quyền, đó là mối quan tâm chính của chính quyền Biden.
Quảng trường Herald ở New York. Ảnh: Nytimes |
Nhà Trắng khi đó coi việc “hồi sinh” tầng lớp trung lưu là mục tiêu chủ yếu trong chính sách cầm quyền, cố gắng thay đổi từ căn bản tình hình “chủ nghĩa tân tự do” và “kinh tế nhỏ giọt” (khái niệm phát triển thông qua tăng lượng của cải vật chất và mang lại lợi ích cho người nghèo) thịnh hành từ những năm 1980 trở lại đây, đẩy mạnh “đổi mới trong nước”, tạo ra chu kỳ phát triển mới.
Chính quyền Biden nhấn mạnh “đối nội chính là đối ngoại và đối ngoại cũng đối nội”, đề xuất thúc đẩy chính sách đối ngoại phục vụ cho tầng lớp trung lưu, cho rằng chính sách này không còn được định hướng bởi lợi ích của các doanh nghiệp lớn và công ty xuyên quốc gia của Mỹ.
Việc Mỹ kết thúc hoàn toàn cuộc chiến ở Afghanistan cũng là để tránh các hoạt động quân sự ở nước ngoài làm tổn hại thêm lợi ích của tầng lớp trung lưu trong nước.
Những hệ lụy
Tuy nhiên, các chính sách của Biden đã dẫn đến những hệ lụy: Khi ông nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ là 57%, nhưng hiện tại chỉ còn 42%, nghĩa là đã giảm 15% - mức giảm lớn nhất sau 9 tháng nhậm chức kể từ thời Eisenhower làm Tổng thống.
Về mặt đảng phái, tỷ lệ ủng hộ của thành viên đảng Dân chủ dành cho Biden giảm từ 98% xuống 92%; đảng Cộng hòa giảm từ mức thấp 11% xuống còn 4%; cử tri độc lập giảm từ 61% xuống 34%. Trong số những cử tri đảng Cộng hòa và độc lập, tỷ lệ ủng hộ Biden đã giảm khoảng một nửa.
Điều đáng quan tâm là trong 3 quý đầu tiên ở nhiệm kỳ đầu của Tổng thống đảng Dân chủ, tỷ lệ ủng hộ thường có xu hướng giảm mạnh như Barack Obama (-10,1%), Bill Clinton (-6,8%), Jimmy Carter (-8,9 %). Trong khi cùng thời kỳ đó, tỷ lệ ủng hộ của các tổng thống đảng Cộng hòa lại có xu hướng tăng lên như George W. Bush (13,1%) và George H.W. Bush (12%).
Khi so sánh tỷ lệ ủng hộ của 4 Tổng thống gần đây, Biden, Trump, Obama và Bush con, tỷ lệ ủng hộ Biden khi ông mới lên nắm quyền chỉ cao hơn Trump (45%), gần bằng Bush con, nhưng thấp hơn nhiều so với Obama (68%). Hơn nữa, tuy tỷ lệ ủng hộ Biden cao hơn Trump một chút, nhưng lại không ổn định bằng. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump dao động trong khoảng 40%, không giảm mạnh như Biden.
Những mâu thuẫn trong nội bộ đảng Dân chủ ngày càng tăng lên, chương trình nghị sự lập pháp của Biden đã bị cản trở nhiều. Từ khi Biden lên nắm quyền đến nay, phe cấp tiến trong đảng Dân chủ luôn mong muốn Quốc hội thông qua dự luật ngân sách trị giá 3,5 nghìn tỷ USD, nhằm tăng mạnh quỹ an sinh xã hội, tăng đầu tư để ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng thuế suất đối với người giàu có và tập đoàn xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phe ôn hòa của đảng Dân chủ phản đối quyết liệt. Để giành được sự ủng hộ của phe này, chính quyền Biden đã đưa ra kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, nhưng lại bị phe cấp tiến trong đảng Dân chủ phản đối, bị trì hoãn đến ngày 5/11/2021 mới được thông qua.
Đảng Dân chủ đối mặt với mâu thuẫn nội bộ giữa phe cấp tiến và phe ôn hòa. Ảnh: AP |
Có thể thấy, vấn đề lớn nhất mà đảng Dân chủ phải đối mặt không chỉ là sự cản trở của đảng Cộng hòa, mà còn là mâu thuẫn nội bộ đảng Dân chủ giữa phe cấp tiến và phe ôn hòa. Trong lịch sử Mỹ, nội bộ Quốc hội ít xảy ra bất đồng nghiêm trọng trong nội bộ đảng.
Ngay cả dưới thời Trump, mặc dù nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa thường công khai chỉ trích ông, nhưng trong các vấn đề lập pháp quan trọng, đa số nghị sĩ vẫn đứng về phía ông.
Đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng nhập cư
Gần đây, Mỹ thiếu nguồn vật tư và tình trạng lạm phát nghiêm trọng. Chuỗi cung ứng nội địa xuất hiện tình trạng tắc nghẽn hiếm có, lượng hàng hóa vận chuyển của các cảng chính đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, tàu chở hàng bị ùn ứ khi vào cảng.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên cảng biển thiếu nhân viên làm, nhiều container bị mắc kẹt tại cảng, làm đứt gãy một phần chuỗi cung ứng. Trong thời kỳ dịch lan rộng, Mỹ đã công bố các kế hoạch cứu trợ và kích thích nền kinh tế để ngăn chặn suy thoái kinh tế, làm gia tăng sức ép lạm phát.
Theo số liệu của Cục Thống kê, từ tháng 10/2020-10/2021, mức tăng trung bình giá tất cả hàng hóa của Mỹ là 5%, trong đó mức tăng giá lớn nhất là năng lượng - khoảng 25%; thực phẩm tăng gần 5% và các mặt hàng khác khoảng 4%.
Mỹ có mức tiêu thụ năng lượng rất cao, giá năng lượng (đặc biệt là dầu) tăng lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, mà họ thường quy kết những khó khăn là do Tổng thống đương nhiệm.
Mỹ đối mặt với sức ép lạm phát. Ảnh: AP |
Cuộc khủng hoảng dân nhập cư vẫn chưa được giải quyết. Nhà Trắng không có đối sách ứng phó. Dưới thời Trump, đảng Dân chủ luôn chỉ trích chính sách nhập cư của ông. Sau khi lên nắm quyền, Biden ngay lập tức thực hiện một số biện pháp điều chỉnh.
Tuy nhiên, đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bộ luật quan trọng nào nên đã khiến cuộc khủng hoảng nhập cư tiếp tục leo thang. Từ tháng 2/2021 đến nay, khu vực biên giới với Mexico tập trung nhiều người nhập cư bất hợp pháp, tháng 7 lên tới hơn 210 nghìn người.
Cuộc khủng hoảng dân nhập cư đã dẫn đến sự phản đối quyết liệt chính sách nhập cư của Biden ở các bang biên giới như New Mexico và Texas, họ tự phát thành lập tổ chức dân quân để phòng thủ biên giới.
Cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ
Đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử Thống đốc bang Virginia và triển vọng cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ cũng đáng lo ngại. Năm 2022, chính quyền Biden sẽ phải đối mặt với “kỳ sát hạch bầu cử giữa nhiệm kỳ”.
Do đó, cuộc bầu cử Thống đốc bang Virginia vào tháng 11/2021 được nhiều người coi là báo hiệu quan trọng cho cuộc bầu cử năm 2022. Trong những tuần trước cuộc bầu cử này, kết quả thăm dò dư luận cho thấy ứng cử viên McAuliffe của đảng Dân chủ sẽ thắng.
Tuy nhiên, ứng cử viên Youngkin của đảng Cộng hòa, người được Trump ủng hộ, đã thắng cử với tỷ lệ sít sao. Nhiều người nhận định đảng Dân chủ sẽ thất bại trong cuộc bầu cử năm 2022. Trước kia, đảng của tổng thống thường mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng số ghế cụ thể bị mất và liệu đảng đó có mất vị thế đa số ở Quốc hội hay không lại khác nhau.
Hiện tại, chênh lệch số ghế giữa 2 đảng trong Quốc hội rất nhỏ, có nghĩa là cuộc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn. Theo thống kê từ Quốc hội khóa 35 đến khóa 117 hiện nay, chênh lệch số ghế giữa 2 đảng ở Hạ viện cao nhất vào những năm 1930, khóa 75 lên tới 246 ghế. Hiện tại, mức chênh lệch giữa chỉ là 10 ghế, số ghế của 2 đảng tại Thượng viện hiện nay là 50:50, hoàn toàn ngang bằng nhau, đảng Dân chủ dựa vào lá phiếu của Phó Tổng thống để trở thành đảng chiếm đa số.
Dựa vào các tình hình trên, các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định:
Thứ nhất, Biden lên nắm quyền ở tuổi 78, đây là một điển hình của hiện tượng “tre già nối tiếp măng non” và là biểu hiện quan trọng của “sự suy thoái chính trị dân chủ” của Mỹ.
Thứ hai, triển vọng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay đáng lo ngại vì các yếu tố sức ép lạm phát lớn cũng như kết quả bầu thống đốc bang Virginia đều không mang lại dấu hiệu tốt.
Thứ ba, đảng Dân chủ ngày càng trở nên chia rẽ, mâu thuẫn giữa các phe phái trong đảng ngày càng gay gắt, khó có thể chống lại đảng Cộng hòa khi tranh cử tổng thống trong tương lai.
Thứ tư, dịch Covid-19 tiếp tục tồi tệ hơn ở Mỹ và tác động của nó đối với nền chính trị sẽ không những kéo dài cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, mà còn ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/caybut/1-nam-biden-cam-quyen-hoi-sinh-trung-luu-chia-re-trong-long-nuoc-my-809074.html
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam