Một số chính sách có hiệu lực tháng 11-2023

Thứ hai, ngày 13 tháng 11 năm 2023 | 10:24

Một số chính sách kinh tế, xã hội có hiệu lực tháng 11-2023 được dư luận đặc biệt quan tâm là: Giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023; Nâng định mức sắm ô tô công với một số chức danh; Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh.

thang-11.jpg

Giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 sẽ gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023

Kể từ ngày 20-11, theo Quyết định 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 được chính thức giảm 30% đối với người thuê đất là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.

Quy định này áp dụng cho cả người thuê đất không thuộc diện được miễn giảm, hết thời hạn hoặc trường hợp đang được giảm theo quy định về đất đai... Tuy nhiên, mức giảm này không gồm số còn nợ trước 2023 và tiền chậm nộp. Trường hợp đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì mức giảm 30% được tính trên số tiền phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ.

Vào tháng 4-2023, Chính phủ cũng ban hành quy định gia hạn thuế và tiền thuê đất của 2023. Đây là lần thứ 5 Chính phủ đưa ra chính sách này trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm. Trong năm 2020 và 2021, Chính phủ cũng từng giảm 30% tiền thuê đất với người thuê đất bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công

Từ ngày 10-11, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá gồm Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đối với các chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô công trong thời gian công tác, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP chia làm ba bậc với 3 mức giá mua xe là 1,5 tỷ đồng, 1,55 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng/xe.

Chức danh được sử dụng ô tô giá 1,55 tỷ đồng gồm: Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội Trung ương được ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo kinh phí hoạt động; Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư tỉnh, thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các chức danh Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, cũng được sử dụng xe 1,55 tỷ đồng.

Quy định mới về cung cấp thông tin của Bộ Công an trên internet

Thông tư 45/2023 của Bộ Công an quy định về cung cấp thông tin của lực lượng công an nhân dân trên môi trường mạng có hiệu lực từ ngày 15-11. Theo đó, thông tin được công an cung cấp trên môi trường mạng là công khai, không thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ và nội bộ ngành; phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân.

Trong đó có thông tin chỉ đạo, điều hành, hoạt động của lãnh đạo Bộ Công an; thông tin cung cấp cho báo chí về vấn đề liên quan công tác công an mà dư luận xã hội quan tâm; vụ án, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, xác minh mà xét thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết.

Ngoài ra, trong danh mục này còn có nội dung Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri; lịch tiếp công dân của lãnh đạo bộ; điểm tin Interpol; thông tin về đối tượng truy nã, truy tìm; thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan khủng bố; cảnh báo, tố giác tội phạm; dịch vụ công trực tuyến.

Quy định mới về thu phí lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 62/2023/TT-BTC ngày 3-10-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18-11-2023.

Theo đó, tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn.

Tổ chức thu phí được trích lại 25% (thay cho mức 20% theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong tháng 11-2023, một số chính sách có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực kinh tế cũng được dư luận quan tâm là: Hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị; Quy định mới về mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; Sửa quy định thông báo kết quả giao dịch mua bán vàng miếng.

Hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BXD ngày 8-9-2023 hướng dẫn một số nội dung về chương trình phát triển đô thị. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 10-11-2023.

Thông tư này hướng dẫn về nội dung, hồ sơ, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và lưu trữ chương trình phát triển đô thị; áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến chương trình phát triển đô thị.

Quy định mới về mức thu phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm

Thông tư số 61/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 28-9-2023 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm) đối với động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm theo quy định tại Luật Trồng trọt, công trình tạm theo quy định tại Luật Xây dựng, gồm:

a) Phí đăng ký giao dịch bảo đảm.

b) Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.

c) Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

Tổ chức thu phí là Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản được để lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (bao gồm cả chi phí để Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trang trải cho việc quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống đăng ký trực tuyến, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp); nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước: Nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào NSNN. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ, thu phí do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi NSNN.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2023.

Sửa quy định thông báo kết quả giao dịch mua bán vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN ngày 12-10-2023 sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về thông báo kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng.

Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.

Thông tư trên có hiệu lực từ 27-11-2023.