Một số vấn đề cần quan tâm trong công tác giám sát và phản biện xã hội
Để tổ chức và thực hiện công tác Giám sát và phản biện xã hội một cách hiệu quả trước hết cần phải nắm rõ hai mặt của vấn đề đó là: cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý về vai trò giám sát và phản biện xã hội
Về cơ sở lý luận thì vai trò giám sát và phản biện của MTTQ đã được khẳng định qua các lần Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, cụ thể: Trong Văn kiện Đại hội lần thứ IX có nêu “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân… tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện giám sát của nhân dân…”; Văn kiện Đại hội lần thứ X đề cập thêm nội dung phản biện xã hội “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội…”; Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức…; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội…” và Văn kiện Đại hội lầ thứ XII của Đảng nhấn mạnh “…. phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; tổ chức thực hiện tốt quy chế giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền;…”.
Về cơ sở pháp lý, thì vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ đã được khẳng định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể tại Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...”; Khoản 1, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định “ ...Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Công tác giám sát và phản biện đã được quy định trong Hiến pháp và Luật MTTQ Việt Nam, Đồng thời được cụ thể hoá bằng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Ngày 27/5/2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Kế hoạch số 38-KH/TU về việc “Triển khai và tổ chức thực hiện Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị Khóa XI”.
Trên cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, thiết nghỉ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần quan tâm một số giải pháp sau:
Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội nhằm thống nhất về nhận thức đối với các cấp, các ngành trong tỉnh, có như vậy công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc mới được phát huy.
Hai là, thực hiện đúng quy trình giám sát theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn với điều kiện cụ thể của địa phương. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm ở địa phương, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân, từ đó lên kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.
Ba là, phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng và giám sát của nhân dân. Đây là kênh quan trọng của giám sát xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp, trực tiếp là cấp xã nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối với Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng để thực hiện theo đúng Nghị định 99/2005/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Quyết định số 80-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn liên tịch số 04 về thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng.
Bốn là, cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề; có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Năm là, kịp thời kiến nghị về những phát hiện trong quá trình giám sát đối với những việc làm chưa đúng với chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân và những chủ trương, chính sách chưa phù hợp để khắc phục sửa chữa và bổ sung hoàn chỉnh.
Sáu là, sớm triển khai, thực hiện ý kiến kết luận, chỉ đạo của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, do tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức vào ngày 10/8/2016. Đó là: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần lựa chọn những vấn đề để giám sát hiệu quả, phù hợp sẽ tạo được niềm tin với đoàn viên, hội viên, Nhân dân và xa hơn là tạo niềm tin của dân với Đảng. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức vừa vững chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh vững vàng, hiểu biết pháp luật để thực hiện nhiệm vụ giám sát có hiệu quả. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu những điểm còn chưa hợp lý trong quá trình thực hiện để kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Việc giám sát phải tiến tới phản biện, góp ý để đạt mục tiêu đồng bộ và không chỉ giám sát thực thi mà phải giám sát hiệu quả để tránh lãng phí, có như thế sẽ tạo được niềm tin của dân với Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Với những nội dung chia sẻ nói trên, cùng với sự tích cực, chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh; hy vọng rằng việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn tỉnh thời gian đến sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Số lượt xem:3846
Trọng Nghĩa – MTTQ tỉnh
\
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí