Một thoáng phố "Tây" giữa lòng Hà Nội

Chủ nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024 | 9:45

“Tứ giác” Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Buồm, Mã Mây được ví như trái tim phố cổ Hà Nội. Vòng quay 24h trên những tuyến phố này từ lúc mặt trời ló rạng cho đến khi phố xá lên đèn như là một vòng tròn bất tận của những khám phá, thăm thú và thưởng ngoạn.

Một Hà Nội thu nhỏ với tầng tầng lớp lớp trầm tích sau những mái ngói lô xô đặc trưng nơi đây giờ còn được mệnh danh là phố "Tây”, rộng mở đãi đằng bạn bè khắp năm châu.

ta-hien.jpg

Ngã tư Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) luôn thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tới thưởng thức ẩm thực. Ảnh: Hiệp Dương

Nơi không gian trầm lắng

Bình minh trong lòng phố bắt đầu bằng hương vị nồng nàn cà phê trứng, thoảng chút vani tinh tế bên vỉa hè rạp Chuông Vàng, phố Hàng Bạc. Người đi thể dục đạp xe mãi tận mạn Tây Hồ, Cầu Giấy lên hay từ bên Long Biên, Hai Bà Trưng xuống, về đến đây đều ngả vào phố, bên những dãy ghế gỗ đặc trưng bóng màu thời gian.

Hà Nội sớm chạm thu, nắng óng ả chảy tràn qua từng kẽ lá cây dâu da xoan bên Trường Tiểu học Thống Nhất cũ, nay là Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm. Trong quán cà phê nhỏ trên phố Lương Ngọc Quyến, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng học trò mải mê những câu chuyện không có hồi kết kể về lịch sử khu phố những ngày chưa xa.

“Từ những năm 80 thế kỷ trước, nhiều cửa hàng ăn uống còn lại đến tận bây giờ, bên cạnh những ngõ nhỏ có đường luồn đi được sang Hàng Ngang. Còn xa hơn nữa, xuôi theo con phố Tạ Hiện là đất phường Hà Khẩu nằm cạnh cửa sông Tô Lịch, thông với sông Hồng. Trong các cuốn “Trăng nước Chương Dương” hay “Trên sông truyền hịch”, nhà văn Hà Ân đã miêu tả trận tập kích bằng thuyền thúng bí mật diệt đồn Hà Khẩu của quân, dân ta trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông giành lại thành Thăng Long chính là khu vực đầu phố Chợ Gạo hiện nay, nơi mở đầu khu vực chúng ta đang ngồi, nhìn từ sông Hồng vào…”, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến giảng cho học trò.

Ngược dòng thời gian, dõi theo thăng trầm khu phố càng thấy ngút trời hào khí cha ông đánh giặc giữ nước. Tại rạp Chuông Vàng (trước là rạp Tố Như) từng là nơi diễn ra lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của Trung đoàn Thủ đô năm nào. Khu phố Hàng Bạc, Hàng Bè, Đinh Liệt, Tạ Hiện những ngày đó được ví như “hậu phương” của Liên khu 1 anh hùng. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Báo Hànộimới số ra ngày 6-1-2010 có đăng bài viết với nội dung tự vệ phố Hàng Bè kể lại bao kỷ niệm hào hùng về một thời hoa lửa nơi đây. Hậu duệ Trung đội trưởng tự vệ phố Hàng Bè Hoàng Hải năm nào, là họa sĩ Hà Huy sinh sống tại Hàng Bạc bồi hồi nhớ lại, trong những kỷ vật của Bảo tàng Hà Nội từng được lưu giữ tại đền Bà Kiệu trước đây có một chiếc chăn bằng da có nguồn gốc từ chiếc màn che cửa trong rạp Philamôních (nay là Nhà hát Múa rối Thăng Long) theo chân bố mình suốt những năm kháng chiến ở chiến khu để cháu con tự hào được sinh ra và lớn lên trong lòng Hà Nội hào hoa…

Những trang sử mới liên tiếp lật giở, trong nhịp sống Hà Nội hôm nay, ngã tư Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện đã trở thành điểm thưởng thức bia hấp dẫn cho thực khách chủ yếu là những du khách nước ngoài. Bản đồ du lịch Hà Nội có thêm một “ngã tư quốc tế” độc đáo, hòa trộn giữa nhịp sống đô thị hiện đại với nét cổ kính, xưa cũ của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. “Nếu Bùi Viện ở Sài Gòn hào hoa vẫn được gọi là phố “Tây” thì tôi lại thích phố “Tây” ở Tạ Hiện hơn bởi nơi đây không quá ồn ào và hiện đại. Mọi thứ đều nhỏ xinh, cổ kính và đặc biệt tôi thích ngắm nhìn nét duyên dáng, nhỏ nhẹ, nụ cười thân thiện của người Hà Nội”, Devin Bond (36 tuổi) có đủ cảm nhận thực tế để so sánh khi anh đến từ thành phố Earlham, tiểu bang Iowa (Mỹ), đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và có chuyến du lịch ra thăm quê vợ tại Hà Nội.

Nhắc đến người phụ nữ mình yêu, anh Devin Bond hồ hởi khoe đã phải lòng Hà Nội, phải lòng phố cổ không chỉ vì những nét Hà Nội được “quốc tế hóa” từ một ngã tư đường phố như trong lòng phố “Tây” mà còn bởi vợ - chị Trương Nguyệt Minh là cháu ngoại cụ Hai Liên, người gốc phố cổ, ở số 155 phố Hàng Bạc. Trong chuyến ra Hà Nội lần đầu này, anh Devin Bond kể đã được gia đình cho đi thưởng thức đủ hương vị bia cỏ, bia hơi, bia Trúc Bạch, bia Hà Nội, thậm chí cả “quốc lủi” trong phố cổ. Anh cũng đã trải nghiệm trà đá, thuốc lào, chả rươi, bún đậu mắm tôm với đầy đủ cung bậc của ngọt ngào, đắng ngắt và túy lúy men say. “Tôi còn muốn có thêm nhiều cơ hội để có thể cảm nhận gần gũi hơn những viên gạch, những mảng tường vôi, ngôi nhà có cánh cửa gỗ luôn mở cửa mến khách”, anh Devin Bond ao ước.

Qua câu chuyện của vợ chồng anh Devin Bond được biết, anh đang là nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông với tấm bằng thạc sĩ một đại học danh giá. Anh Devin Bond đã từng đi hết châu Á và chọn dừng chân lập gia đình, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh với công việc hằng ngày dạy tiếng Anh cho các em nhỏ. Và Hà Nội là quê vợ, cũng là nơi chốn thân thương anh mong năng được đi về.

Thức dậy sau 0h

Có nhà văn từng ví, phố phường Hà Nội sau thời khắc 0h như cất vội chiếc áo khoác xô bồ trở về đúng nghĩa là cô tiểu thư đài các. Vào thời khắc này, mới đích thực là phố liêu xiêu, người liêu xiêu và ngay cả cảm nhận về Hà Nội cũng theo đó thăng hoa. Qua những phố cổ mệnh danh đẹp nhất Hà Nội là Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bồ... để bước vào “ngã tư quốc tế” Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện, du khách vừa được ngắm nhìn những mái ngói thâm nâu, lô xô lại được cảm nhận một Hà Nội khác lạ nhộn nhịp, hiếu khách.

Người dân phố vẫn truyền đạt kinh nghiệm quý này cho bạn bè khi muốn tham quan phố cổ. Lúc này, phố mới trải lòng cùng bia tươi sang trọng, bia chai dễ dãi, bia hơi bình dân… để chinh phục được cái thú khảnh ăn, khảnh chơi rất đặc trưng Thủ đô. Lạ một điều, vào cái thời khắc nửa đêm dù oi ả hay mưa sụt sùi hoặc e ấp heo may… quán lúc nào cũng đặc kín người. Nhân viên chạy lăng xăng, khách hàng hỉ hả, còn ông bà chủ tay cầm bó tiền tươi rói cười mãn nguyện...

Bà Lê Thị Lợi, chủ quán 18 phố Tạ Hiện năm nay đã 54 tuổi sánh với nửa thế kỷ thăng trầm của phố luôn đon đả đón khách bằng những câu chào hỏi tiếng tây bồi. Qua rồi cái thời buôn bán manh mún, nhà nào biết nhà nấy, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh, giờ cả phố đã thay đổi. Các hộ kinh doanh đều cam kết với chính quyền và công an phường từ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến giữ vững an ninh trật tự. Khách ra vào quán dù là nước ngoài hay trong nước đều yên tâm vì không lo “chặt chém”, không lo mất đồ nếu lỡ tuý luý men say bỏ quên một chiếc ví, một chiếc điện thoại như lơ đãng hồn thơ trên những ban công chìa ra như chiếc răng khểnh duyên dáng...

Điều này được Trung tá Dương Bảo Thạch, Phó Trưởng Công an phường Hàng Bạc xác nhận. Cán bộ trực ban Công an phường đã không ít lần được được chủ quán, người dân phố vào bàn giao đồ vật thất lạc có giá trị nhờ tìm giúp chủ nhân là người nước ngoài. Rồi chưa kịp đăng tải thông báo, du khách sẽ sớm được mách để vui mừng nhận lại đồ thất lạc.

Một thoáng phố “Tây”, ngồi miên man trên hè, dựa lưng vào bờ tường loang lổ, cái chật chội của phố phường như được xua tan khi ai cũng có thể cảm nhận một thoáng phố trôi qua với bao điều thân thương, yêu mến. Cảm nhận về Hà Nội, về những khu phố “Tây” trong mạch sống âm ỉ của phố cổ mỗi ngày trôi qua đủ thấy những câu chuyện đời hấp dẫn và sinh động. Hà Nội bao giờ cũng gần gụi mà hấp dẫn quanh những câu chuyện thân thiện, lan man theo mạch dài thời gian như thế.