Mỹ, Trung và trọng tâm cạnh tranh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương
Mỹ nhìn nhận Trung Quốc là nước duy nhất có đủ tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, công nghệ có thể thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ và trật tự thế giới mà Mỹ, phương Tây xây dựng.
Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ với Tuần Việt Nam góc nhìn về quan hệ Trung - Mỹ, cạnh tranh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021.
Cuộc gặp trực tuyến tháng 11/2021 giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Thưa Đại sứ, nhìn lại quan hệ Mỹ - Trung năm 2021, đặc biệt là với việc Mỹ có Tổng thống mới từ tháng 1, ông nhìn nhận như thế nào về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và ngược lại, chính sách của Trung Quốc với Mỹ, trong suốt 1 năm qua?
Nhìn lại 2021 cũng là năm Tổng thống Biden lên nắm quyền, có mấy điểm trong chính sách của Mỹ với thế giới, và với nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Thứ nhất, về chính sách đối ngoại, ông Biden khẳng định “nước Mỹ trở lại” với vai trò toàn cầu và lãnh đạo của mình. Điều này khác với chính sách cũ của ông Trump là “nước Mỹ trên hết”.
Thứ hai, nước Mỹ trở lại để củng cố đồng minh và các đối tác, trở lại với hệ thống toàn cầu và chủ nghĩa đa phương.
Thứ ba là nước Mỹ coi trọng việc chuyển dịch trọng tâm địa chiến lược sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc rút khỏi Afghanistan một cách kiên quyết để dồn lực cho châu Á - Thái Bình Dương thể hiện rất rõ điều này.
Về mặt nước lớn và cạnh tranh Mỹ - Trung, trong chỉ dẫn chiến an ninh quốc gia và đối ngoại của Mỹ, có mấy điểm rất đáng chú ý. Đó là:
Coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất của thế kỷ 21. Trung Quốc là nước duy nhất có đủ tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, công nghệ và đối ngoại có thể thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ và trật tự thế giới mà Mỹ và phương Tây xây dựng từ sau Thế chiến 2. Người ta gọi đây là sự thức tỉnh chiến lược của nước Mỹ. Sự thức tỉnh này có sự tiếp nối của ông Donald Trump khi tiếp tục coi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng cũng có khác biệt. Tức là nước Mỹ quay trở lại và tham gia vào vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Thứ hai là củng cố các đồng minh và đối tác. Thứ ba là tham gia các thể chế đa phương và chuyển dịch địa chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương. Tại điểm thứ hai, ta thấy một loạt hoạt động của nước Mỹ để thực hiện việc này. Đó là củng cố hệ thống đồng minh châu Âu. Đáng chú ý nhất là chuyến thăm hồi tháng 6 của Biden thăm châu Âu, củng cố quan hệ với NATO, EU, dự G7 và bao gồm cả việc tính toán lại quan hệ với Nga mà dường như ưu tiên hàng đầu vẫn là chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc.
Mỹ tiến hành hàng loạt chuyến thăm châu Á - Thái Bình Dương với tháng 2-3 khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếp đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng, trợ lý Ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao, rồi chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris…
Về đa phương, Mỹ coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu, tham gia lại hiệp định Paris, trở lại hiệp định hạt nhân với Iran, trở lại với Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng nhân quyền…
Về quan hệ với Trung Quốc, Mỹ vẫn giữ lại tất cả những gì về cạnh tranh thời ông Trump, đặc biệt về đánh thuế và những giới hạn trừng phạt liên quan đến Trung Quốc. Trong khi đó, nước Mỹ tiến hành đồng thời 2 vấn đề: Khẳng định Trung Quốc là thách thức lớn nhất, đồng thời nhấn mạnh 3 điểm - cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể và đối thủ khi bắt buộc.
Quan điểm của Trung Quốc
Nhìn vào mối quan hệ này, có gì đáng lo, đáng mừng?
Trong quan hệ hai nước năm qua cũng có những chuyển động mới, từ sự kiện Alaska (từ tháng 3), hai bên bày tỏ quan điểm rất rõ ràng đối với nhau. Nước Mỹ thể hiện quan điểm rõ ràng của Mỹ và Trung Quốc cũng như vậy. Tiếp đó, các chuyến thăm vào tháng 6, 7, 8 đã xuất hiện hình thế mới khi hai bên dù cạnh tranh với nhau, coi nhau là đối thủ chiến lược nhưng lại tìm cách quản trị để không xảy ra xung đột và đổ vỡ quan hệ.
Đến cuộc gặp trực tuyến tháng 11 giữa ông Tập Cận Bình và Joe Biden thì câu chuyện quản trị chiến lược trở nên rất rõ ràng. Vấn đề ở đây là hai bên còn cạnh tranh chiến lược với nhau rất nhiều, trên quy mô toàn cầu nhưng trọng tâm chuyển dịch về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với Trung Quốc, nước này tiếp tục khát vọng vươn lên. Kể từ sự kiện Alaska đến nay, Bắc Kinh đã thể hiện rõ quan điểm: Một mặt cần môi trường để vươn lên nhưng đồng thời cũng đòi hỏi thế giới công nhận vai trò cường quốc của họ.
Trung Quốc hiểu rằng cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ là lâu dài. Việc đại lục củng cố nội lực, thực hiện chiến lược vòng tuần hoàn kép, tự lực về công nghệ chính là sự chuẩn bị cho việc cạnh tranh còn gia tăng và lâu dài.
Nhưng Bắc Kinh cũng có yêu cầu - như Mỹ - là quản trị cuộc cạnh tranh này để quan hệ hai bên không bị đổ vỡ.
Cọ xát hai cường quốc
Đây là câu chuyện cọ xát giữa một cường quốc đang vươn lên và cường quốc tại vị, giữa ngôi số 1 và 2. Cuộc cạnh tranh này là lâu dài và là cạnh tranh chiến lược trên tất cả các mặt. Nhưng hai bên không có lợi ích gì khi quan hệ đổ vỡ hay xung đột đối đầu, kể cả đối đầu không mong muốn, cho nên phải tìm cách quản trị.
Ảnh: US Navy |
Trung Quốc có sức mạnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương qua một thời gian dường như nước Mỹ sao lãng, cho nên trọng tâm địa chiến lược tại khu vực này rất rõ. Nó vừa thể hiện cạnh tranh chiến lược tầm toàn cầu, chẳng hạn về trật tự thế giới, câu chuyện về giá trị bao gồm cả giá trị dân chủ, hay kinh tế thị trường; rồi cũng có những vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, hay Biển Đông…
Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện tại rất khác so với cạnh tranh đối đầu thời Mỹ - Xô. Thời Mỹ - Xô là hai bên tạo ra hai hệ thống biệt lập và đối đầu nhau, thậm chí muốn triệt tiêu nhau. Còn cạnh tranh Mỹ - Trung là cạnh tranh về ngôi vị và quyền lợi, nhưng giữa họ vẫn đan xen chằng chịt những lợi ích. Ví dụ đánh thuế rất nhiều, trừng phạt rất nhiều nhưng thương mại hai nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Nghĩa là hai bên phải lựa chọn những mặt cạnh tranh và vẫn phải tính toán mặt có thể hợp tác như biến đổi khí hậu hay vấn đề Iran, thậm chí là bán đảo Triều Tiên. Hay trong câu chuyện về Đài Loan, rất nóng nhưng Mỹ vẫn phải khẳng định chính sách “Một Trung Quốc” và không muốn đây trở thành vấn đề xung đột quân sự.
Qua mấy điểm như vậy thấy rõ tín hiệu trong quan hệ Mỹ - Trung, đó là chắc chắn tiếp tục cạnh tranh chiến lược nhưng đồng thời quản trị cạnh tranh - không ai có lợi ích khi quan hệ đổ vỡ.
Cạnh tranh nước lớn rõ ràng sẽ đặt ra cho các nước khác phải chọn bên, đúng ra không phải chọn bên mà là thích ứng như thế nào. Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn tạo ra không gian địa chiến lược để các nước khác có tiếng nói của mình, vẫn “chơi” được với cả hai.
Thứ ba, dù cạnh tranh với nhau, nhưng Mỹ - Trung không thể tạo ra những hệ thống biệt lập nên phải tranh thủ các nước khác. Ở châu Á - Thái Bình Dương, cả hai nước đều đưa ra nhiều sáng kiến.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/quan-he-my-trung-va-chien-luoc-chau-a-thai-binh-duong-806093.html
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm