Năm 2025 có thể tạo bước ngoặt tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Năm 2025 có thể sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với các yếu tố nội tại như kinh tế vĩ mô, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, thì cơ hội nâng hạng đang rộng mở.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh kinh tế vĩ mô năm 2024
Theo phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), mặc dù kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn nhưng tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực hơn nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trưởng trở lại và áp lực lạm phát có xu hướng giảm dần. Trên cơ sở đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu triển khai lộ trình cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Trong nước, nền kinh tế ghi nhận những tín hiệu tích cực, với mức tăng trưởng GDP quý sau tốt hơn quý trước; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lũy kế 9 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,82% - mức tăng ấn tượng trong cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2024 và chỉ đứng sau năm 2022 khi nền kinh tế mới hồi phục sau đại dịch. Thành tựu này có được nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực sản xuất, thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đầy triển vọng.
Nền kinh tế trong nước ghi nhận những tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng GDP quý sau tốt hơn quý trước. |
Năm 2024 được xem là năm bản lề, mang tính tăng tốc và đột phá, đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý IV và cả năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt những mục tiêu cao mà Chính phủ và Nhà nước đã đề ra, lần lượt là 7,4 - 7,6% cho quý IV và 7% cho năm 2024. |
Các chuyên gia cho rằng, nhờ sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan, hoạt động sản xuất trong nền kinh tế đã nhanh chóng phục hồi trở lại sau những tác động của cơn bão Yagi ngay từ những ngày đầu tháng 10.
Bên cạnh đó, quý IV cũng là giai đoạn mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng dồn lực để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đối với vấn đề về lạm phát, tính đến thời điểm hiện tại và dự kiến cho đến cuối năm 2024, lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc đảm bảo lạm phát đạt mục tiêu kiểm soát dưới 4% năm 2024 dường như đã nằm trong tầm tay của Chính phủ.
"Theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là chắc chắn đạt được. Đây là một trong những yếu tố chính đã và sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước có nhiều không gian để thực hiện các chính sách hỗ trợ hơn nữa cho nền kinh tế trong nước" - Chuyên gia PHS nhận định.
Định giá năm 2025 hấp dẫn
Về triển vọng thị trường và định hướng hoạt động năm 2025, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích PHS, năm 2025 sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cơ quan quản lý thời gian qua đã cho thấy những quyết tâm trong vấn đề giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi Luật Chứng khoán. Nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước (pre-funding) dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được tháo gỡ bằng Thông tư 68/2024/TT-BTC và cánh cửa nâng hạng đã rộng mở hơn.
Tuy nhiên, theo bà Mỹ Liên, để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025 và thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, bên cạnh việc kinh tế chung tăng trưởng tốt, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch, thanh khoản và cơ sở hạ tầng pháp lý. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để TTCK Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang rộng mở trong năm 2025. |
Trong khi đó, triển vọng bối cảnh kinh tế năm 2025 của Việt Nam vẫn khả quan với GDP dự báo tăng trưởng trên 7%. Chuyên gia của PHS cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt khi mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng trung ương trên thế giới dần hạ nhiệt, từ đó thu hút dòng vốn trong và ngoài nước chảy vào thị trường chứng khoán. Đà tăng trưởng của nền kinh tế cũng sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng lên.
Về mặt định giá, chứng khoán Việt Nam hiện nay có mức P/E dự phóng năm 2025 dưới 10 lần, tức thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn so với mức trung bình 10 năm gần nhất. Mức P/E dự phóng này cũng là thấp nhất nếu so sánh với các thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư cân nhắc tham gia trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có những thách thức mà nhà đầu tư cần lưu tâm như căng thẳng địa chính trị leo thang hay những chính sách khó đoán của ông Donald Trump khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng không chỉ đến thương mại mà cả các chính sách tiền tệ và tài khóa khác của Việt Nam./.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang trên thế giới, còn ở trong nước thì áp lực tỷ giá cũng đang hiện hữu đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục đối với cổ phiếu Việt Nam và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 19 tháng trong tổng số 20 tháng gần nhất và riêng từ đầu năm đến nay đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng.
|
- Kỳ vọng VN-Index duy trì dao động trong khoảng 1.240 - 1.300 điểm, tạo động lực tăng trưởng 2025
- Kỳ vọng VN-Index duy trì dao động trong khoảng 1.240 - 1.300 điểm, tạo động lực tăng trưởng 2025
- Nhóm cổ phiếu nào đang ngược sóng thị trường?
- Đầu tư công - Kỳ vọng tạo sức bật cho thị trường chứng khoán năm 2025
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm
- Nâng hạng thị trường kỳ vọng kéo thanh khoản tỷ USD trở lại
- Nâng hạng thị trường kỳ vọng kéo thanh khoản tỷ USD trở lại
- Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 duy trì đà tăng trưởng ổn định
- Cơ hội cho thị trường chứng khoán sau giai đoạn tích lũy